Từ phản ánh của Báo SGGP về việc gần 40 tấn sữa hỏng chậm tiêu hủy. Ngày 17-3, Chi cục Bảo vệ môi trường Bình Dương cho biết sẽ kiểm tra làm rõ nguồn gốc sữa quá hạn sử dụng mới được phát hiện. Đồng thời xem xét lại quá trình tiêu hủy 105 tấn sữa của Công ty Anco trước đây, nếu phát hiện các đơn vị gian dối trong quá trình tiêu hủy sẽ xử lý nghiêm.
“Âm thầm” tiêu hủy
Sáng 17-3, khi làm việc với cơ quan điều tra, đại diện Công ty cổ phần Nam Tân Uyên (đơn vị hợp đồng xử lý sữa hỏng của Anco) cho biết, theo tính toán thì Công ty Nam Tân Uyên nhận xử lý khoảng 105.600 lít sữa quá hạn sử dụng cho phía Công ty Anco. Kinh phí xử lý là 750 đồng/lít sữa.
Tuy nhiên, đến nay Công ty Anco chỉ chuyển tới Công ty Nam Tân Uyên hơn 91.000 lít sữa để xử lý. Dù “đổ thừa” cho Công ty Anco, nhưng phía Công ty Nam Tân Uyên chỉ chứng minh tiêu hủy gần 40.000 lít sữa, chứ chưa chứng minh được đã xử lý 65.000 lít sữa hỏng cho Công ty Anco.
Bên cạnh đó, đối chiếu một số thông tin mà Công ty cổ phần Nam Tân Uyên đưa ra với số liệu trong báo cáo của Công ty Anco gửi cho Sở Tài nguyên - Môi trường Bình Dương thì không trùng hợp. Cụ thể là: Công ty Anco báo cáo đến ngày 3-11-2009 gửi đến Công ty Nam Tân Uyên 107.263 lít sữa để tiêu hủy.
Trong khi đó, Nam Tân Uyên cho rằng, họ chỉ nhận xử lý tổng cộng là khoảng 91.000 lít sữa. Hoặc trong biên bản giám sát xử lý lô hàng sữa quá hạn của Công ty Anco ngày 18-11-2009 có ghi rõ tổng số lượng tiêu hủy là gần 40.000 lít sữa hỏng. Nhưng thực tế từ ngày 9 đến 18-11 Anco chỉ chở đến Công ty cổ phần Nam Tân Uyên khoảng 26.000 lít sữa để tiêu hủy còn gần 14.000 lít sữa, đã tính trong số 65.000 lít sữa phía Anco báo cáo được xử lý trước ngày 9-11.
Không chỉ phát hiện ra phía Công ty cổ phần Nam Tân Uyên “có vấn đề” mà về phía Công ty Anco cũng có dấu hiệu “tiền hậu bất nhất”. Từ việc thời gian vận chuyển xử lý sữa không đúng với công văn đăng ký (đăng ký xử lý từ 21 đến 30-10-2009 nhưng kéo dài sang tháng 11, thậm chí trên hồ sơ hợp đồng vận chuyển đến tận 15-12-2009) cho đến việc tìm nhiều hình thức tiêu hủy 105 tấn sữa quá hạn sử dụng theo kiểu “cù nhầy” đối phó. Cuối cùng doanh nghiệp này mới xin Sở TN-MT Bình Dương tiêu hủy 105 tấn sữa hết hạn trong thời gian từ ngày 21 đến 30-10-2009.
Tuy nhiên sau khi Sở TN-MT Bình Dương đồng ý, Công ty Anco đã “âm thầm” tiêu hủy mà không mời cơ quan giám sát. Phải đến khi Sở TN-MT chủ động gọi tới Công ty Anco tìm hiểu, lúc này phía Công ty Anco cho biết đã tự thực hiện tiêu hủy xong 65.000 lít sữa (gần 2/3 số sữa hỏng). Rơi vào thế đã rồi, Sở TN-MT mới “tá hỏa” cử người tới giám sát việc xử lý số sữa hỏng còn lại.
Sẽ xử lý nghiêm minh
Trước thông tin gần 40 tấn sữa hư chậm đem đi tiêu hủy đăng trên báo SGGP số ra ngày 17-3, ông Tào Mạnh Quân, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Bình Dương cho biết, chưa thể khẳng định chắc chắn gần 40 tấn sữa hết hạn này có nằm trong 105 tấn sữa hết hạn của Công ty Anco buộc phải tiêu hủy trước đây.
Trong vài ngày tới Chi cục Bảo vệ môi trường sẽ tổ chức thanh kiểm tra lại hồ sơ vụ việc tiêu hủy 105 tấn sữa hết hạn của Công ty Anco. Theo đó, nếu phát hiện quá trình tiêu hủy 105 tấn sữa gian dối thì sẽ xử lý nghiêm Công ty Anco và Công ty cổ phần Nam Tân Uyên. Đồng thời cũng sẽ xem xét trách nhiệm của Công ty TNHH một thành viên Thế Giới Xanh trong việc vận chuyển, lưu giữ 40 tấn sữa đã hết hạn.
Được biết, do số lượng sữa và lượng chất thải nguy hại được phát hiện tại Công ty TNHH một thành viên Thế Giới Xanh quá nhiều nên đến ngày 17-3, cơ quan chức năng mới chuyển hết số hàng này đến nơi xử lý.
Tiến Đạt
Thông tin liên quan |
- Bình Dương: 40 tấn sữa hư hỏng chậm tiêu hủy - 105 tấn sữa Anco quá hạn sử dụng ở Bình Dương đã được tiêu hủy |