Chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2023 tăng 3,25%, giá vàng tăng 4,16%

Theo báo cáo chuyên đề về giá cả tiêu dùng của Tổng cục Thống kê được công bố ngày 29-12, CPI bình quân quý 4-2023 tăng 3,54% so với quý 4-2022. Tính chung cả năm 2023, CPI tăng 3,25% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Việc một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT, tăng học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, giá điện sinh hoạt tăng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12-2023 tăng 0,12% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 12 tăng 3,58%.

Theo cơ quan thống kê quốc gia, thị trường hàng hóa thế giới năm 2023 có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội.

Trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Nhờ đó, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá hàng hóa tăng giảm đan xen.

cpi-6468.png
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tổng quan, so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng các tháng đầu năm có xu hướng giảm dần, từ tháng 7 theo xu hướng tăng trở lại. Trong năm 2023, CPI tháng 1 tăng cao nhất với 4,89%, sau đó giảm dần đến tháng 6, mức tăng chỉ còn 2%, đến tháng 12 tăng 3,58%.

Lạm phát cơ bản tháng 12 tăng 0,17% so với tháng trước, tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,16% so với năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,25%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước năm 2023 giảm 11,02% so với năm trước, giá gas giảm 6,94% (là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI), nhưng lại thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Không trong rổ hàng hóa dịch vụ tính CPI, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Cụ thể, tính đến ngày 25-12, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.040,77 USD/ounce, tăng 2,93% so với tháng 11-2023 do FED quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25 - 5,5% và dự kiến có 3 đợt giảm lãi suất trong năm 2024. Bên cạnh đó, những khó khăn đến từ thị trường chứng khoán cùng nhu cầu dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương và khu vực châu Á trong dịp cuối năm cũng là nguyên nhân tác động đến giá vàng trên thế giới.

Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 12-2023 tăng 3,98% so với tháng trước; tăng 13,13% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2023 tăng 4,16%.

Tin cùng chuyên mục