Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2020 tăng 0,66% so với tháng trước, đây là mức tăng cao nhất của tháng 6 trong giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, tốc độ tăng/giảm CPI tháng sáu so với tháng trước của các năm giai đoạn 2016-2020 lần lượt là: tăng 0,46%; giảm 0,17%; tăng 0,61%; giảm 0,09%; tăng 0,66%.
Trở lại với tháng 6-2020, bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất, chủ yếu do giá xăng dầu tăng cao 3 đợt liên tiếp sau chuỗi giảm kéo dài kể từ Tết Nguyên đán và giá thịt heo tiếp tục tăng trong những ngày đầu tháng 6.
Mặc dù vậy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6-2020 vẫn giảm 0,59% so với tháng 12 năm trước.
CPI quý 2-2020 giảm 1,87% so với quý trước và tăng 2,83% so với cùng kỳ năm 2019. Bình quân 6 tháng đầu năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,19% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tỷ giá thương mại hàng hóa bình quân 6 tháng đầu năm 2020 giảm 0,78% so với cùng kỳ năm 2019, phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 2,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
GDP 6 tháng tăng 1,81%, thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020 Tổng cục Thống kê vừa cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Riêng quý 2-2020 ước tăng 0,36%. Trong mức tăng trưởng 1,81% trong 6 tháng đầu năm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%, đóng góp 11,89% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,98%, đóng góp 73,14%; khu vực dịch vụ tăng 0,57%, đóng góp 14,97%. Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm là công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 4,96%) và các ngành dịch vụ thị trường. Trong đó, bán buôn và bán lẻ tăng 4,3%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,78%. Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,44%; khu vực dịch vụ chiếm 42,04%. Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2020, tiêu dùng cuối cùng tăng 0,69% so với cùng kỳ năm 2019; tích lũy tài sản tăng 1,93%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 0,31%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 2,54%. Kinh tế - xã hội nước ta 6 tháng đầu năm diễn ra trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. |