Chi thu nhập tăng thêm, TPHCM đạt nhiều thành tựu phát triển

Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 03 về chi thu nhập tăng thêm, Sở Nội vụ đánh giá, cán bộ, công chức, viên chức phấn khởi, hăng hái tham gia công tác, cống hiến đạt nhiều thành tích cao hơn. Thu nhập tăng thêm khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước, giúp TPHCM đạt nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.

Công chức phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) thực hiện thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: MAI HOA

Sở Nội vụ TPHCM vừa có tờ trình về báo cáo sơ kết 3 năm triển khai thực hiện nghị quyết số 03/2018 của HĐND TPHCM ban hành quy định về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý.

Qua 3 năm thực hiện việc đánh giá, phân loại và chi thu nhập tăng thêm, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trung bình hàng quý đạt 97,91%; Trong đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt trung bình 65,85%; Hoàn thành nhiệm vụ đạt 32,06%.

Thực hiện Nghị quyết 03/2018 kinh phí chi thu nhập tăng thêm thực tế của TPHCM là 2.768 tỷ đồng (thấp hơn kế hoạch), năm 2019 là 7.637 tỷ đồng (cao hơn kế hoạch). Năm 2020, dịch Covid-19 xảy ra, nhằm chia sẻ khó khăn với đồng bào, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong giai đoạn phòng chống dịch, TPHCM đã điều chỉnh giảm hệ số tăng thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

Đánh giá chung, qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/2018, cán bộ, công chức, viên chức đều thể hiện tâm lý phấn khởi, hăng hái tham gia công tác, cống hiến đạt nhiều thành tích, thành quả cao hơn.

Chính sách chi thu nhập tăng thêm đã góp phần giảm bớt khó khăn cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực. Từ đó giúp thành phố đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua.

Cụ thể, chất lượng công tác quản lý nhà nước và dịch vụ công được nâng cao; Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR Index) năm 2019 tăng 3 hạng so với năm 2018 (từ hạng 10 lên hạng 7); Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn năm 2019 đạt 99,93%; Tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đạt từ 80% trở lên. Năm 2020, TPHCM đạt nhiều kết quả quan trọng trong duy trì phát triển kinh tế xã hội, ứng phó với khó khăn do dịch Covid-19 gây ra…

Bên cạnh đó, vẫn còn những hạn chế như một số đối tượng có tham gia công tác và có đóng góp cho hệ thống chính trị thành phố nhưng chưa thuộc đối tượng được hưởng chính sách chi thu nhập tăng thêm, như cán bộ, công chức, viên chức được phân công cử sang làm việc tại các cơ quan đơn vị ngoài các cơ quan đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập; người làm việc theo chế độ hợp đồng 68... Do đó, giữa những trường hợp này còn có sự so bì, tâm tư, chưa tạo động lực lan tỏa đồng đều trong toàn bộ hệ thống chính trị.

Một số cơ quan đơn vị chưa thực sự tổ chức việc đánh giá phân loại hàng quý, chưa đảm bảo yêu cầu đề ra, góp ý và tiếp thu góp ý của đồng nghiệp đôi khi còn chưa được chú trọng, chưa thể hiện tính khách quan đa chiều, thực tế vẫn còn tình trạng nể nang, cào bằng khi rà soát chấm điểm nên việc đánh giá phân loại chưa phản ánh hết năng lực thái độ và tinh thần đối với công việc trong thực tế của cán bộ công chức viên chức.

Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, trên cơ sở đánh giá khách quan những mặt được và hạn chế trong triển khai đánh giá, phân loại hàng quý và chi thu nhập tăng thêm trong thời gian qua, Sở Nội vụ TPHCM bổ sung một số giải pháp theo hướng thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác tổ chức đánh giá, phân loại đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, tránh nể nang, hình thức…

Tin cùng chuyên mục