Chia sẻ xúc động của 50 nhà giáo được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản

Sáng 16-11, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức gặp mặt 50 nhà giáo là cán bộ quản lý, giáo viên đạt Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 26 năm 2023. Giải thưởng có sự đồng hành của Báo Sài Gòn Giải Phóng.
Xúc động khi nghe câu chuyện của cô Võ Thị Tuyết. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Xúc động khi nghe câu chuyện của cô Võ Thị Tuyết. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Những trái tim yêu thương

Tại buổi gặp mặt, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu đã cùng các cán bộ, nhà giáo ôn lại truyền thống “tôn sư trọng đạo” tốt đẹp ngàn đời của dân tộc.

Với mục đích tôn vinh và tri ân các thầy cô, Giải thưởng Võ Trường Toản không nhằm khen thưởng giáo viên đạt thành tích cao trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi mà ghi nhận sự lan toả, tận tình, sáng tạo trong công tác dạy học, được học sinh và phụ huynh tôn kính, yêu thương.

Ngành giáo dục và đào tạo luôn trân trọng nỗ lực cống hiến của các thầy cô giáo, đặc biệt các thầy cô đang công tác ở những vùng còn khó khăn. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ngành giáo dục và đào tạo luôn trân trọng nỗ lực cống hiến của các thầy cô giáo, đặc biệt các thầy cô đang công tác ở những vùng còn khó khăn. Ảnh: HOÀNG HÙNG

“Ngành giáo dục và đào tạo luôn trân trọng nỗ lực cống hiến của các thầy cô giáo, đặc biệt các thầy cô đang công tác ở những vùng còn khó khăn. Sự công nhận của xã hội chính là phần thưởng, cũng là hạnh phúc to lớn nhất của người giáo viên”, ông Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, cô Đoàn Lý Mỹ Em, giáo viên Trường Mầm non Bé Ngoan (quận 1) cho biết, sự quan tâm của giáo viên dành cho trẻ thể hiện qua những việc làm hàng ngày như làm đồ chơi, dạy trẻ biết yêu cái đẹp… Cô luôn quan niệm, khi cho đi yêu thương sẽ nhận về yêu thương.

Với thầy Đặng Thanh Huấn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Phước (huyện Cần Giờ), cái tâm của người thầy không chỉ thể hiện qua các bài giảng trên lớp mà còn là sự quan tâm đến cuộc sống, những vất vả hàng ngày của học sinh.

Thầy Đặng Thanh Huấn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Phước, huyện Cần Giờ. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thầy Đặng Thanh Huấn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Phước, huyện Cần Giờ. Ảnh: HOÀNG HÙNG

“Tôi thường đến nhà học sinh, động viên các em không nên bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn. Tôi đi xin từng cái máy tính cũ cho học trò, rồi mày mò dạy các em cách sử dụng. Trong điều kiện dạy học còn nhiều khó khăn, tôi thương học trò như chính con em mình”, thầy Đặng Thanh Huấn trải lòng.

Ở góc độ khác, theo cô Lê Thị Tuyết Lan, giáo viên Trường THPT Trần Phú (quận Tân Phú), hạnh phúc của người giáo viên là kết nối những bài học trong sách vở với thực tế cuộc sống, giúp học sinh hiểu được chính mình, hiểu cuộc sống, biết cách vận dụng những điều đã học để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trên bước đường làm nghề, cô giáo luôn tự nhắc nhở mình “Cứ đi thì đường sẽ sáng, cứ đi rồi sẽ đến đích”.

Riêng với cô Võ Thị Tuyết, giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật, người cán bộ, giáo viên cần giữ cho mình trái tim ấm áp và tình yêu với trẻ cùng đạo đức làm nghề.

Cô Võ Thị Tuyết - một nhà giáo không đứng trên bục giảng, không được mặc áo dài. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cô Võ Thị Tuyết - một nhà giáo không đứng trên bục giảng, không được mặc áo dài. Ảnh: HOÀNG HÙNG

“Tôi là một nhà giáo không đứng trên bục giảng, không được mặc áo dài mà thường xuyên gắn bó với quần tây, áo phông để cùng lăn lê bò trườn với trẻ. Trẻ leo cầu thang, cô cũng leo. Trẻ tập bò, cô giáo cũng bò theo. Nhưng tôi luôn hạnh phúc vì được đồng hành và nhìn thấy sự tiến bộ mỗi ngày của trẻ”, cô Võ Thị Tuyết cho biết.

Sự lan tỏa của giải thưởng Võ Trường Toản

Đại diện một trong hai đơn vị đồng tổ chức Giải thưởng Võ Trường Toản, ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng khẳng định, qua 26 lần tổ chức, Giải thưởng Võ Trường Toản trở thành giải thưởng danh giá hàng năm đối với ngành giáo dục.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng khẳng định, Giải thưởng Võ Trường Toản trở thành giải thưởng danh giá hàng năm đối với ngành giáo dục. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng khẳng định, Giải thưởng Võ Trường Toản trở thành giải thưởng danh giá hàng năm đối với ngành giáo dục. Ảnh: HOÀNG HÙNG

“Giải thưởng đã tôn vinh các thầy, cô giáo tiêu biểu, đại diện cho hàng trăm ngàn tấm gương nhà giáo cao cả, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Sự tôn vinh thể hiện lòng trân trọng, ghi nhận công lao đóng góp to lớn của các thầy cô trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo”, ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết.

Về phía đơn vị tài trợ, bà Nguyễn Phương Lan, Giám đốc EMG Education cho rằng, các tấm gương nhà giáo tiêu biểu được tôn vinh qua giải thưởng hàng năm giúp xã hội càng thêm trân quý công lao đóng góp của các thầy, cô giáo.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu và Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Ngọc Anh tặng hoa, cảm ơn các nhà tài trợ đồng hành cùng giải thưởng. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu và Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Ngọc Anh tặng hoa, cảm ơn các nhà tài trợ đồng hành cùng giải thưởng. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Qua chia sẻ của các thầy cô, có những đóng góp rất thầm lặng nhưng mang lại ý nghĩa lớn lao đối với nhiều thế hệ học trò. Xã hội luôn trân trọng và dành sự tri ân cao quý nhất đối với những người đã, đang và sẽ tiếp tục dấn thân, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Ngày mai (17-11), 50 cán bộ, nhà giáo được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản sẽ được vinh danh tại Hội trường Thành phố. Đây là một trong những hoạt động hướng đến kỷ niệm 41 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11

Tin cùng chuyên mục