
“Họ sẽ là thành phần cốt cán của ngân hàng chúng tôi…”, ông Võ Văn Châu, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông khẳng định như “đóng đinh” khi đưa tay chỉ về hàng ngàn sinh viên đang ngồi chật kín hội trường của ĐH Kinh tế TPHCM sáng 6-11. Lãnh đạo các Ngân hàng Bình Tây, Á Châu, Thương mại cổ phần Sài Gòn, Công ty Chứng khoán… cũng đã khẳng định như thế sau một ngày “ngắm nghía”, “đặt hàng” nhân sự tương lai cho những dự án phát triển của mình.
- Cuộc hội ngộ bất ngờ

Sinh viên Khoa Ngân hàng giao lưu với các doanh nghiệp. Ảnh: L.A.
8 giờ sáng 6-11, gần 2.000 sinh viên khoa Ngân hàng Trường ĐH Kinh tế TPHCM đã có một cuộc hội ngộ đầy bất ngờ với lãnh đạo các ngân hàng trên địa bàn TPHCM trong ngày hội văn hóa và hướng nghiệp do khoa tổ chức. Nguyễn Minh Anh - SV năm thứ 2 chỉ vào các cán bộ tín dụng ở các gian hàng… khoe: “Đó là mấy anh từng đến lớp dạy tụi em…”.
Theo lời Minh Anh, cứ sau mỗi bài học lý thuyết, trường thường mời cán bộ các ngân hàng về báo cáo các tình huống phát sinh trong thực tiễn để giúp SV không chỉ nghe, thấy mà còn “sờ” tới được những vấn đề thực tế. Trần Thị Cẩm Tú, SV năm 3 hào hứng kể: “Nghề cho vay hay thẩm định giá rất phức tạp, lý thuyết không nói hết những phát sinh đa dạng từ môi trường thực tế. Nếu đợi đến khi ra trường, làm vài năm rồi mới biết về những tình huống thực tế thì lâu lắm…”.
Tại các gian hàng quanh đại sảnh của trường, sinh viên được xem những đoạn phim ngắn về hoạt động của từng công việc trong ngân hàng hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán. Nhìn các doanh nghiệp hồ hởi thay nhau trả lời sinh viên về cung - cầu lao động, về khả năng tuyển dụng trong tương lai, các mô hình tổ chức hệ thống… tại các gian hàng, PGS-TS Trần Hoàng Ngân – Trưởng khoa Ngân hàng Đại học Kinh tế đắc ý: “Họ là người sử dụng nguồn nhân lực nên họ phải cộng đồng trách nhiệm với nhà trường trong đào tạo, chứ không thể ngồi im đợi quả chín rồi lựa chọn như trước đây…”.
Theo PGS Ngân, một khi đã “kéo” được doanh nghiệp đến với nhà trường trong nội dung đào tạo, trường có thể đặt lên vai các doanh nghiệp “trách nhiệm” với sinh viên về tài chính để hỗ trợ những chuyên gia tài chính tương lai đó có điều kiện để học tập. Ông Trương Minh Kiệt, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ SV Trường ĐH Kinh tế, nói: “Sự gắn kết này có hợp đồng cụ thể, rõ ràng để đảm bảo quyền lợi cho cả hai. Với cầu nối này, những SV nhận học bổng từ doanh nghiệp khi ra trường sẽ có trách nhiệm làm việc tại doanh nghiệp đã đầu tư cho mình”.
- Đầu tư từ gốc
Tại ngày hội của Khoa Ngân hàng, còn có một cuộc hội ngộ đầy lý thú giữa thầy trò của khoa. Những cựu sinh viên đã thành danh tại các công ty lớn trở về trường tọa đàm với các thầy giáo cũ về chương trình đào tạo: nên điều chỉnh môn học nào, các môn nên tăng giảm ra sao để phù hợp với tình hình thực tế…
Khi được hỏi: “Việc kêu gọi doanh nghiệp cùng tham gia với nhà trường có khó không, tất cả các ngành có thể thực hiện?”, PGS Ngân nói: “Không có gì khó, ăn thua là người quản lý”. Ông cho rằng, phải cho doanh nghiệp thấy được họ sẽ được lợi rất nhiều nếu cùng “bắt tay” với nhà trường: Nếu cùng đầu tư ngay từ khi nhân sự còn trong ghế nhà trường, thì doanh nghiệp sẽ chọn được người giỏi và không lo lắng việc thiếu nhân sự vì nhân sự đã được đầu tư từ trước.
Bên cạnh đó, kế hoạch phát triển mạng lưới chi nhánh sẽ không bị động ở khâu thiếu nhân sự. Còn ông Vũ Khúc Thái, Giám đốc Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bình Tây kết luận: “Hiện nay có nhiều doanh nghiệp có đề án phát triển chi nhánh, mở rộng hoạt động nhưng các đề án luôn thiếu người triển khai. Khi đó mới bắt đầu tuyển dụng, mà tuyển dụng không được thì công lao mở đề án coi như đổ sông đổ biển. Cho nên cách tốt nhất là phải phát triển dự án đồng thời với phát triển nhân sự. Muốn như vậy chỉ có gắn kết với các trường ĐH…”
LINH AN