Trong nỗ lực tìm kiếm chiến lược kinh tế mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm chuẩn bị cho việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, ngày 2-8, Ủy ban Nội các phụ trách Chiến lược Phát triển Kinh tế và Công nghiệp của Anh đã nhóm họp lần đầu tiên dưới sự chủ trì của Thủ tướng Anh Theresa May cùng sự tham gia của 11 bộ trưởng.
Để ngăn chặn tốc độ tăng trưởng kinh tế của Anh sụt giảm do ảnh hưởng từ sự kiện Brexit (có thể giảm 0,3% trong năm nay và giảm 1,7% trong năm 2017 theo tính toán của giới chuyên gia kinh tế Anh), Thủ tướng Theresa May cùng các bộ trưởng đã quyết định khôi phục chính sách phát triển kinh tế bằng công nghiệp. Đây là chính sách mà Anh đã từng theo đuổi để vực dậy nền kinh tế những năm 60 và 70.
Chiến lược kinh tế và công nghiệp mới này có mục tiêu đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế đồng bộ ở tất cả mọi ngành nghề, trong đó cải thiện năng suất sẽ là trọng tâm của các ưu tiên trong chính sách. Để vực dậy lĩnh vực sản xuất trì trệ hàng chục năm qua, chính phủ mới sẽ thông qua biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp đối phó với những thách thức do toàn cầu cầu hóa, cũng như tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Anh. Ngoài ra, theo một giải pháp được Bộ trưởng Kinh doanh Anh Greg Clark đề xuất, nền kinh tế Anh cần hỗ trợ, chú trọng phát triển kinh tế ở các địa phương khác ngoài thủ đô London, đầu tư vào các kỹ năng, khai thác các thế mạnh của các vùng... nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các vùng khác nhau để đảm bảo sự phát triển và tăng trưởng đồng bộ. Báo Guardian dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Anh có thể tăng tới 9%, tức sẽ mang lại cho nền kinh tế hơn 150 tỷ bảng, nếu khoảng cách về năng suất giữa khu vực Đông Nam của Anh và London với các khu vực còn lại của Anh giảm còn một nửa.
Đặc biệt quan trọng không kém trong chính sách kinh tế mới này là London sẽ tiếp tục tìm kiếm vốn đầu tư từ khắp thế giới và nước này sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại. Cuộc họp bàn về chính sách diễn ra ngay sau khi Anh quyết định trì hoãn dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point trị giá 18 tỷ bảng, trong đó 1/3 nguồn vốn được phía Trung Quốc cung cấp. Theo giới quan sát, đây là dấu hiệu chứng tỏ Chính phủ của Thủ tướng Theresa May sẽ điều chỉnh chính sách thu hút vốn đầu tư từ Trung Quốc mặc dù khẳng định nền kinh tế Anh cần một nguồn cung năng lượng ổn định với năng lượng hạt nhân chiếm phần quan trọng. Chính sách tìm kiếm vốn đầu tư từ khắp thế giới được chú trọng ngay từ khi nội các mới được thành lập. Khi đó, theo Financial Times, Bộ Kinh doanh Anh đã lên kế hoạch đàm phán thương mại cho giai đoạn hậu Brexit với nhiều đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc trong vài tháng tới. Tháng trước, Bộ trưởng Kinh doanh Sajid Javid đã tới Ấn Độ và bắt đầu những cuộc thảo luận sơ bộ với các bộ trưởng Tài chính và Thương mại nước này để bàn về quan hệ hợp tác thương mại song phương khi Anh không còn là thành viên EU. Đây là cuộc đàm phán đầu tiên trong loạt hoạt động sẽ diễn ra trong vài tháng tới khi Anh tiến hành đàm phán với các đối tác lớn khác trên toàn thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
HẠNH CHI