Chiến lược mới của Israel

Trong bối cảnh một khu vực Trung Đông bị đẩy xuống vị trí “ưu tiên” thấp hơn châu Á sau khi Mỹ chuyển trọng tâm sang khu vực này, chính sách an ninh của Israel đang từng bước định hình lại. 
Khách tham quan đi ngang qua một gian trưng bày của Israel tại triển lãm hàng không Dubai, hồi đầu tuần. Nguồn: haaretz.com
Khách tham quan đi ngang qua một gian trưng bày của Israel tại triển lãm hàng không Dubai, hồi đầu tuần. Nguồn: haaretz.com

Trang mạng Foreign Affairs vừa có bài viết nhận định, với Israel, thực tế mới này hàm chứa nguy cơ lớn nhưng cũng đầy hứa hẹn, giúp nước này thúc đẩy các mối quan hệ đối tác mới trong khu vực để củng cố an ninh quốc phòng như là một phần quan trọng trong chiến lược an ninh.

Trong thời gian qua, Israel đã có những bước đi đáng kể nhằm xây dựng cách tiếp cận mới với khu vực, như thiết lập quan hệ ngoại giao với UAE, Bahrain, Morocco và Sudan thông qua Hiệp định Abraham. Thỏa thuận này là bước đột phá quan trọng trong thế trận khu vực của Israel, cho phép nước này có thêm không gian hành động, dù là hành động độc lập hay phối hợp với Mỹ.

Thỏa thuận cũng mở đường cho các đường bay thẳng mới mở giữa Israel và UAE, sự hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế và khoa học - công nghệ, cũng như chính sách về năng lượng, nguồn nước và môi trường với các nước được mở rộng. Gần đây, Israel còn ký thỏa thuận bán khí đốt cho Ai Cập và Jordan.

Tổng thống Israel Isaac Herzog dự kiến sẽ sớm có chuyến thăm tới Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tỏ ý sẵn sàng cải thiện mối quan hệ với Israel thông qua việc đề xuất ký một thỏa thuận khí đốt mới. Hành trình thiết lập quan hệ đối tác của Israel còn mở rộng sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, được thể hiện qua việc thành lập nhóm đối thoại giữa Ấn Độ, Israel, UAE và Mỹ cuối năm 2021.

Trên thực tế từ nhiều năm qua, Israel đã chia sẻ thông tin tình báo và năng lực an ninh mạng với các quốc gia vùng Vịnh. Cho dù sự ra đời của một “NATO phiên bản Arab” vẫn còn xa vời nhưng nếu nhìn theo hướng tích cực, động lực mới sẽ biến Israel - với thế mạnh công nghệ, an ninh và kinh tế của mình, trở thành một đối tác hấp dẫn hơn trong mắt các bên tham gia trong khu vực. Các cuộc thảo luận chiến lược gần đây giữa Mỹ và Israel cho thấy hai bên đang có những bước đi nhất định theo hướng này và trong tương lai, hai bên cần điều chỉnh cho phù hợp với kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược mới và những thách thức đi kèm với nó.

Tin cùng chuyên mục