Hôm qua (10-3), dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo, Thường trực HĐND TPHCM tổ chức hội nghị xem xét báo cáo nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TPHCM trong 5 năm tới (2011- 2015). Cùng dự, có Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân. Hội nghị đã góp ý thẳng thắn cho nhiều vấn đề bức xúc, tồn tại của TP cũng như định hướng phát triển TP trong thời gian tới.
Ngành công nghiệp TP đang ở đâu?
Các đại biểu cơ bản thống nhất với đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 cũng như mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội TP 5 năm tới. Tuy nhiên, ở góc độ tổng thể, đại biểu (ĐB) Nguyễn Minh Hương góp ý: Các giải pháp cho từng mục tiêu phải dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học và xuất phát từ thực tiễn chứ không thể duy ý chí. TP đề ra mục tiêu không để xảy ra điểm ngập mới, vậy giải pháp gì cụ thể vì không thể cứ nói “tập trung cao độ” là xong. “Nếu cứ nói bằng ý chí người dân sẽ thất vọng!”, ĐB Minh Hương nói.
Đi sâu vào vấn đề, ĐB Võ Văn Sen cho rằng đến thời điểm này vẫn chưa nhìn thấy được bức tranh tổng thể của ngành công nghiệp TP. Hiện ngành công nghiệp TP đang đứng ở đâu? 5-10 năm nữa TP có đóng được vai trò trung tâm công nghiệp nói chung và công nghệ cao nói riêng? Theo ĐB Võ Văn Sen, TP không nên tìm cách giảm tính chất công nghiệp của TP; các biện pháp quản lý tài chính, tiền tệ cũng phải được đặt ra, đưa vào kế hoạch trong 5 năm tới.
ĐB Lê Nguyễn Minh Quang đề xuất: Cần tách công nghiệp và xây dựng ra khi đánh giá, để làm rõ ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng bao nhiêu, tiến tới phát triển ngành công nghiệp có hàm lượng chất xám cao. Tiếp lời, ĐB Đặng Văn Khoa khá tâm tư: “Mục tiêu đề ra đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp. Mục tiêu rất đẹp nhưng sẽ khó đạt được nếu không thực hiện một cách tâm huyết, sôi sục, cách mạng. Phải nhìn vào thực lực để dám đột phá”.
ĐB Đặng Văn Khoa cho rằng các giải pháp không chỉ nêu ra chủ trương chung chung mà phải có lộ trình thực hiện. Như vấn đề giải quyết vấn nạn giao thông, từ 5-7 năm trước TP đã xới lên câu chuyện phát triển giao thông công cộng để hạn chế phương tiện cá nhân, kế hoạch 5 năm tới tiếp tục đề xuất giải pháp này mà vẫn không thấy đề xuất bước đi cụ thể?
Phải tôn trọng quy hoạch
Vấn đề quy hoạch cũng được các ĐB quan tâm nhiều. ĐB Lê Nguyễn Minh Quang cho rằng: “Trong quy hoạch cần xác định chiến lược lâu dài để giữ và thực hiện được chiến lược đó. Chúng ta phải tôn trọng quy hoạch chứ không thể cứ liên tục thay đổi”. ĐB Phạm Văn Hải nêu ý kiến: Quy hoạch không gian ngầm trong 5 năm tới như thế nào vẫn chưa thấy TP đề cập đến, trong khi diện tích mặt đất đã quá tải. Ngay từ bây giờ nếu không tính toán việc quy hoạch không gian ngầm thì thời gian tới việc kết nối không gian trên mặt đất và không gian ngầm sẽ chệch choạc.
Trong khi đó, theo ĐB Ngô Minh Hồng, TP phải kiên trì đề xuất thành lập bộ máy chính quyền đô thị vì bộ máy hiện nay đã không còn phù hợp. Ngoài ra, để tiến tới phát triển bền vững, nhiều vấn đề phải giải quyết bằng liên kết vùng, chẳng hạn như vấn đề môi trường. Còn ĐB Nguyễn Thế Dũng nhấn mạnh: TP cần đánh giá lại kết quả thực hiện xã hội hóa ngành y tế, cái gì làm được, chưa làm được để tìm đúng nguyên nhân rồi thực hiện quyết liệt, có như vậy mới góp phần phát triển ngành y tế.
Trước hàng loạt vấn đề đại biểu đặt ra, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân phát biểu: “Quốc gia ban hành chủ trương, chính sách chung cho các địa phương cùng thực hiện. TPHCM là đô thị đặc biệt nên cần có những chính sách đặc thù để phát triển. Trong khi đó chúng ta còn nhiều rào cản do các quy định ngặt nghèo, không còn phù hợp nên vấn đề cơ bản nhất để phát triển TP là tiếp tục kiến nghị Trung ương tháo gỡ những chính sách không phù hợp”.
Trong công tác quy hoạch, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân khẳng định: “TPHCM sẽ có chiến lược tăng cường quản lý quy hoạch. Không thể để tình trạng hôm nay chủ tịch này quy hoạch kiểu này, hôm sau chủ tịch khác quy hoạch kiểu khác”. Song song với quy hoạch, theo Chủ tịch UBND TP, phát triển nguồn nhân lực là mục tiêu hàng đầu. Chất lượng nguồn nhân lực của TPHCM phải tương đương tầm khu vực, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, tài chính, ngân hàng.
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho biết sẽ tiến hành khảo sát nguồn nhân lực trên tất cả lĩnh vực để biết nguồn nhân lực TP đang đứng ở đâu so với khu vực, làm cơ sở để đào tạo, phát triển.
“Gọi tên” dự án để đầu tư Khá thẳng thắn, Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo cho rằng, UBND TPHCM cần tập trung hơn nữa việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng. Chúng ta cứ nói hoài về việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhưng vẫn còn lúng túng, làm chưa ra. Vấn đề là phải có chính sách cụ thể. Khi nói đến phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, ngành công nghiệp phụ trợ nhưng cụ thể là ngành gì? Nói đến đầu tư công nghệ tiên tiến cũng phải có chính sách… Về phát triển hạ tầng cũng phải định hướng rõ 5 năm tới phát triển hạ tầng gì? “Phải gọi được tên dự án ra”, Chủ tịch Phạm Phương Thảo nhấn mạnh. Trong công tác quy hoạch, Chủ tịch Phạm Phương Thảo cho rằng, cứ nói hoài nhưng nợ vẫn còn, chất lượng chưa cao. Trong chỉ đạo, điều hành phải mang tính tập trung, ưu tiên và cụ thể. Chủ tịch Phạm Phương Thảo tiếp tục nhấn mạnh: “Mỗi chương trình phải có người chỉ huy. Chương trình nào do phó chủ tịch nào, ủy viên UBND TP nào phụ trách… phải gọi tên ra…”. Trước bài toán căng thẳng vốn phải có chính sách huy động các nguồn lực trong xã hội. Chúng ta đang thiếu cơ chế, chính sách nên TP cũng suy nghĩ việc thành lập bộ phận nghiên cứu cơ chế chính sách để cấp trên chấp thuận, người dân ủng hộ. |
VÂN ANH