
Ngày 19-7, cả phe Hồi giáo ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi và Chiến dịch Tamarod đứng sau làn sóng biểu tình dẫn tới việc quân đội phế truất ông Morsi cùng tổ chức các cuộc biểu tình trên cả nước.

Cảnh sát Ai Cập tăng cường lực lượng chống bạo động tại trung tâm Cairo.
Leo thang biểu tình
Chiến dịch Tamarod kêu gọi người dân xuống đường biểu tình nhằm duy trì làn sóng “cách mạng”. Trong khi đó, tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) và các đồng minh Hồi giáo cũng kêu gọi tổ chức biểu tình từ chiều 19-7 trên toàn quốc nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống bị lật đổ Morsi vì MB coi ông Morsi là hiện thân của tính hợp pháp và họ đang yêu cầu khôi phục tính hợp pháp như một điều kiện để tái tham gia các hoạt động chính trị.
Văn phòng hướng dẫn của MB kêu gọi những người ủng hộ leo thang biểu tình với khẩu hiệu “Chúng ta sẽ chiến đấu cho tới chết để mang lại chiến thắng cho đạo Hồi và lật đổ chính quyền quân sự” cho tới khi ông Morsi được phục chức. Theo đó, phe Hồi giáo tổ chức hàng loạt cuộc tuần hành xuất phát từ các nhà thờ tới trước cửa trụ sở các cơ quan chính phủ, căn cứ quân sự và đại sứ quán, trong đó có cả các đại sứ quán Ai Cập ở nước ngoài, đồng thời phong tỏa các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, cắt các đường dây điện và điện thoại để mở đầu cho một chiến dịch bất tuân dân sự.
Tuy nhiên, tổ chức Anh em Hồi giáo không bạo lực, một lực lượng vừa được thành lập với các thành viên trẻ của MB, đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch trên, đồng thời cáo buộc các nhà lãnh đạo tổ chức này tiếp tục đấu tranh bạo lực, theo đuổi các lợi ích cá nhân và lợi ích chính trị thay vì lợi ích của đất nước và của chính MB.
Ông Abdul Rahman Al-Rashed, chuyên gia các vấn đề quốc tế và là người đứng đầu Đài Truyền hình Al-Arabiya, cho rằng chắc chắn là công chúng Ai Cập sẽ tẩy chay MB nếu tổ chức này sử dụng bạo lực, nhất là khi chính phủ mới hiện nay đang có ảnh hưởng rất lớn đối với giới truyền thông và có khả năng huy động công luận chống lại MB.
Chính phủ chú trọng hòa giải
Tổng thống lâm thời Ai Cập Adli Mansour ngày 18-7 tuyên bố một số đối tượng đang âm mưu đẩy Ai Cập vào bạo loạn, đồng thời cam kết khôi phục ổn định và an ninh cho đất nước. Ông Mansour nhấn mạnh, Ai Cập đang trải qua “giai đoạn quyết định” trong lịch sử khi một số người muốn đây là giai đoạn khởi đầu của bạo loạn và đổ máu, còn chính phủ mới lại coi đây là giai đoạn bắt đầu của sự ổn định. Do đó, chính phủ sẽ “chiến đấu tới cùng để bảo vệ an ninh cũng như thành quả cách mạng”. Bên cạnh đó, Tổng thống lâm thời Mansour còn khẳng định sẽ không xa lánh bất kỳ phe phái nào trong tiến trình hòa giải dân tộc một cách toàn diện sau khi ông Mohamed Morsi bị phế truất.
Lực lượng an ninh Ai Cập cảnh báo sẽ chống lại bất kỳ hành động bạo lực nào nhằm vào các cơ sở quân sự hoặc các thể chế nhà nước cũng như sẽ đáp trả “mạnh mẽ” âm mưu kích động các cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ và phản đối ông Morsi trong cuộc biểu tình.
Hãng thông tấn chính thức MENA của Ai Cập cho biết lực lượng an ninh nước này đã chuẩn bị một kế hoạch an ninh toàn diện để đối phó với các cuộc biểu tình. Bộ Nội vụ Ai Cập tăng cường an ninh xung quanh trụ sở quốc hội, các bộ và lực lượng vệ binh cộng hòa. Cảnh sát cũng sẽ phối hợp với quân đội để bảo vệ các cơ sở trọng yếu, trong đó có khu vực dọc kênh đào Suez sau khi nhận được thông tin các nhóm Hồi giáo thánh chiến có thể sẽ phát động những cuộc tấn công nhằm vào tuyến đường thủy chiến lược này.
Người phát ngôn của lực lượng quân đội Ahmed Ali kêu gọi cả hai phe đối địch biểu tình hòa bình, đồng thời tuyên bố những người không tuân thủ sẽ “bị xử lý theo quy định của pháp luật”.
VIỆT ANH (tổng hợp)
- Thông tin liên quan:
>> Ai Cập: Kêu gọi biểu tình lớn vào ngày 15-7