Chính phủ đề nghị giảm 41 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Chiều 9-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Cảnh vệ; dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; dự án Luật Sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.
Chính phủ đề nghị giảm 41 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Chiều 9-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Cảnh vệ; dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; dự án Luật Sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.

Bãi bỏ 27 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo Bộ trưởng, dự thảo luật lần này cắt giảm một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, thiếu tính khả thi nhằm xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà luật này không cấm. Cùng với đó bổ sung một số ngành, nghề cần thiết phải quy định là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng...

Cụ thể, bãi bỏ 27 ngành, nghề không cần thiết phải quy định là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; bổ sung 15 ngành, nghề đã được quy định tại các luật hiện hành hoặc ngành, nghề mới phát sinh cần áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh. 29 ngành, nghề có nội dung trùng lặp đã được hợp nhất vào 19 ngành, nghề. Cập nhật, chuẩn xác hóa tên 18 ngành, nghề nhằm phản ánh chính xác, đầy đủ, minh bạch điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề này cho phù hợp với quy định tại các luật có liên quan cũng như thực tiễn quản lý nhà nước. Như vậy, tổng số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện còn 226 ngành, nghề (giảm 41 ngành, nghề so với danh mục hiện hành). Chính phủ đề nghị luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017.

Thẩm tra tờ trình, Ủy ban Kinh tế cho biết, đa số ý kiến tán thành với việc bãi bỏ điều kiện kinh doanh đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà Chính phủ trình. Tuy nhiên, ủy ban này cũng đưa ra nhiều đề xuất bãi bỏ, giữ nguyên hoặc bổ sung một số ngành nghề. Ví dụ, ủy ban đề nghị không bãi bỏ đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô, kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Hay đối với kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, Ủy ban Kinh tế nhận thấy dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ do nhu cầu làm đẹp của mỗi người nhưng có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người phẫu thuật thẩm mỹ; người đại điện theo pháp luật, chủ cơ sở kinh doanh cần có những tiêu chí khắt khe về nhân thân nhằm phục vụ cho mục đích phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm liên quan đến nhận dạng một con người. Do đó, đề nghị vẫn giữ điều kiện kinh doanh đối với ngành này…

Nhiều ĐBQH tán thành việc “quản” nhập khẩu ô tô

Về việc bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô còn một số ý kiến khác nhau. Quan điểm của Ủy ban Kinh tế là tán thành với việc bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai), nhập khẩu ô tô nếu đưa vào kinh doanh có điều kiện sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp lắp ráp, nhập khẩu và vô tình tạo thế độc quyền. Cần cân nhắc rất kỹ nếu đưa ngành này vào kinh doanh có điều kiện.

Gas là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong ảnh là vụ cháy nổ cửa hàng kinh doanh gas trên địa bàn Q.8, TPHCM

Trái với quan điểm của ĐB Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai), nhiều đại biểu tán đồng quan điểm của Ủy ban Kinh tế. ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đồng tình đưa ngành nghề kinh doanh ô tô gồm sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu vào loại hình kinh doanh có điều kiện vì ô tô là sản phẩm tích hợp công nghệ phức tạp, đòi hỏi độ an toàn cao, liên quan đến an toàn tính mạng của nhiều người tham gia giao thông, liên quan tới bảo vệ môi trường. Xe nhập khẩu không chính hãng không được hưởng các điều kiện bảo hành, bảo dưỡng theo đúng yêu cầu kỹ thuật của hãng xe; không phù hợp với điều kiện sử dụng tại Việt Nam như khí hậu, thời tiết, tiêu chuẩn đường sá, nhiên liệu… cũng là nguyên nhân tiềm tàng gây mất an toàn, ảnh hưởng tới môi trường.

“Không có cơ sở khi cho rằng nếu đưa sản xuất, lắp ráp ô tô thành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ tạo vị thế độc quyền, lợi ích nhóm. Thậm chí, đưa kinh doanh ô tô vào ngành kinh doanh có điều kiện sẽ góp phần đảm bảo an toàn, môi trường cũng như tạo sự cân đối hài hoà giữa các lợi ích Nhà nước, người tiêu dùng và nhà sản xuất”, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga nói.

ĐB Nguyễn Phước Lộc (TPHCM) phân tích, việc quản này nhằm tránh khuyến khích nhập khẩu mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và có nguy cơ biến nước ta thành bãi rác công nghiệp nếu chúng ta khuyến khích. Thậm chí có thể biến tướng trong việc nhập khẩu xe mới, cũ. ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, việc quy định điều kiện nhập khẩu sẽ giúp ổn định vĩ mô, hạn chế nhập khẩu.

Được đề nghị phát biểu, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông cũng cho rằng, kinh tế tăng trưởng thì ngành ô tô cũng tăng trưởng, như tại Thái Lan ngành này chiếm 12% GDP. Nếu không quy định điều kiện kinh doanh từ bây giờ thì không thể tăng tỷ lệ nội địa hóa. Mặt khác, nếu cứ nhập khẩu ô tô thì sẽ gây thâm hụt thương mại, nhập siêu, kinh tế vĩ mô bị ảnh hưởng.

PHAN THẢO - ANH THƯ - HÀ MY

Đề nghị thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam từ 1-1-2017

Chiều 9-11, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội giao Chính phủ thực hiện thí điểm việc cấp thị thực cho người nước ngoài đang ở nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam qua hệ thống giao dịch điện tử. Thị thực điện tử có giá trị một lần, thời hạn không quá 30 ngày.

Dự thảo nghị quyết nêu rõ, thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày 1-1-2017. Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện nghị quyết này sau khi kết thúc thời hạn thí điểm để Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Với người nước ngoài đề nghị cấp thị thực không phải là thị thực điện tử thì thực hiện theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục