Chính phủ không tô hồng tăng trưởng kinh tế

Kêu gọi giữ niềm tin
Chính phủ không tô hồng tăng trưởng kinh tế

Ngày 1-11, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận về kinh tế - xã hội. Nhiều thành viên Chính phủ như Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã được chủ tọa phiên họp mời giải trình thêm để làm rõ một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trao đổi với Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải và các đại biểu bên hành lang Quốc hội. Ảnh: BẢO MINH

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trao đổi với Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải và các đại biểu bên hành lang Quốc hội. Ảnh: BẢO MINH

Kêu gọi giữ niềm tin

Tham gia trao đổi về tình hình kinh tế xã hội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã kêu gọi các đại biểu Quốc hội giữ niềm tin vào tình hình kinh tế của đất nước. Trước đó, nhiều đại biểu băn khoăn báo cáo của Chính phủ có phần “tô hồng” mà không nhận rõ đang có rất nhiều khó khăn, thách thức. Liên quan tới số liệu GDP, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) tỏ ý “nghi ngờ” rằng tại sao tăng trường kinh tế năm nay cao hơn năm ngoái trong khi tín dụng vẫn tăng trưởng thấp, ngân sách hụt thu lớn, doanh nghiệp chưa bớt khó khăn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định con số này “không tô hồng quá”. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm đạt 5,14% và nếu những chính sách của Chính phủ phát huy kết quả tốt trong những tháng còn lại, cả năm ước tăng trưởng 5,4%. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế từ đầu năm có sự cải thiện từng quý, quý 1 tăng 4,76%, quý 2 tăng 5%, quý 3 tăng 5,54% và dự báo quý 4 tăng 5,6% - 5,7%. “So với cùng kỳ năm trước, các con số này cũng cao hơn nên tôi nghĩ năm nay tăng trưởng 5,4%, so với mức 5,03% năm ngoái không có gì đặc biệt” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Nhận định đây là thời điểm quan trọng của đất nước khi 2013 là năm giữa nhiệm kỳ 5 năm (2011 - 2015), giữa nhiệm kỳ Chính phủ, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh kêu gọi các đại biểu cần giữ niềm tin vào nền kinh tế: ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng “niềm tin không thể chỉ xây dựng trong 1 hay 2 năm mà phải trong nhiều năm”. Do vậy, ông kiến nghị thời gian tới cần kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ở mức thấp. “Bên cạnh đó, chính sách tài khóa cần chặt chẽ và nâng cao tính kỷ luật một cách nghiêm khắc hơn. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm chi tiêu thường xuyên và chi tiêu dùng nhiều hơn nữa để có tiền chi cho đầu tư phát triển” - ông Ngân nói.

Tín dụng sẽ tăng 11% - 12%

Tại phiên họp hôm qua, những băn khoăn của đại biểu về khơi thông dòng vốn tín dụng, xử lý nợ xấu đã được Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải đáp. Theo người đứng đầu ngành ngân hàng, trong 10 tháng của năm 2013 tín dụng đã tăng 6,8%, nếu tính cả dư nợ tín dụng đã được xử lý bằng quỹ dự phòng rủi ro và mua bán nợ xấu thì đã tăng ở mức 7,89%. “Qua làm việc với các tổ chức tín dụng, chúng tôi thấy có cơ sở để tin tưởng tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ đạt được ở mức 11% - 12%” - Thống đốc chia sẻ.

Trước nhiều ý kiến đại biểu về tín dụng cho khu vực nông thôn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, riêng tín dụng cho khu vực nông nghiệp - nông thôn đã tăng trên 15% trong 10 tháng, cả năm có thể đạt 15% - 18%. Nợ xấu trong dư nợ tín dụng cho khu vực này cũng thấp hơn rất nhiều so với hệ thống (trên 3% so với 4,64% của cả hệ thống).

Ghi nhận những đóng góp của ngành ngân hàng, nhưng nhiều đại biểu vẫn tỏ ra băn khoăn bởi trong thực tế việc khơi thông dòng vốn tín dụng vẫn khó khăn. ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) thẳng thắn: “Thống đốc nói vậy nhưng tôi đã thử đóng vai người dân đi hỏi vay tiền, tôi vẫn thấy khó lắm. Đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét làm sao để phát triển tín dụng nông thôn hơn nữa”. Trong khi đó, ĐB Phạm Minh Tấn (Đắk Lắk) nêu thực trạng về chương trình cho vay tái canh cho cây cà phê ở Tây Nguyên còn nhiều bất cập. Đến nay ở Đắk Lắk mới chỉ giải ngân được 100 tỷ đồng. Thậm chí, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) còn đề nghị Thống đốc nên “vi hành”, tới những vùng sâu vùng xa, vùng núi cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ... để tìm hiểu thực tế. Theo bà An, việc này nhằm tìm hiểu người dân đang vướng mắc ở đâu. “Vì sao công chức không mua được nhà, họ khó khăn ở đâu khi mà trần lãi suất của Thống đốc đã giảm rất tốt như vậy?” - bà An nêu vấn đề.

Tại phiên thảo luận trước đó, nhiều đại biểu lo ngại về tiến độ xử lý nợ xấu còn chậm là nguyên nhân khiến tín dụng khó khăn. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, thực tế thời gian qua ngành ngân hàng đã tập trung nhiều giải pháp để giải quyết nợ xấu. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ theo cơ chế mới, đến nay đã cơ cấu lại trên 300.000 tỷ đồng. Trong đó, có tới 60% các khoản nợ nếu không cơ cấu lại đã thành nợ xấu. “Nói cách khác nếu không cơ cấu lại thì nợ xấu đã tăng thêm trên 6%” - ông Bình giải thích. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng tự xử lý nợ xấu bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro. Năm 2012 toàn hệ thống đã trích lập và xử lý 70.000 tỷ đồng, trong 9 tháng 2013 đã trích lập và xử lý thêm 32.000 tỷ đồng nữa, tổng cộng là gần 100.000 tỷ đồng. Ngoài ra, đến nay Công ty Quản lý tài sản VAMC đã mua được 10.000 tỷ đồng nợ xấu. “Như vậy, nếu không triển khai các giải pháp nêu trên thì nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã tăng thêm trên 10%” - Thống đốc cho biết.

Đòi hỏi cam kết trách nhiệm

Là người phát biểu ở cuối phiên thảo luận, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) gây bất ngờ khi đề cập tới trách nhiệm của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trước những sai phạm của bộ máy hành pháp. Ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh “sự kiện” lần đầu tiên Chính phủ phải đặt vấn đề Quốc hội xem xét chấp thuận mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 - 2014 là 5,3% GDP và phát hành thêm trái phiếu Chính phủ. Với nhiệm vụ “giữ tay hòm chìa khóa” của nhân dân, hiệu quả sử dụng ngân sách trước tiên thuộc về Quốc hội, và Quốc hội phải chịu trách nhiệm trước nhân dân như người được ủy thác. Còn Chính phủ chỉ chịu trách nhiệm trước Quốc hội. “Trong khi đó, trên thực tế ở nước ta, mọi thất thoát, lãng phí hay tham ô ngân sách của nhà nước, chúng ta chỉ dồn hết trách nhiệm vào Chính phủ. Quốc hội và đại biểu Quốc hội luôn tự cho mình là vô can trong những sai phạm của bộ máy hành pháp. Theo tôi, Quốc hội phải liên đới trách nhiệm!” - ông Dương Trung Quốc bày tỏ quan điểm.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải coi những đề nghị về mức bội chi ngân sách của Chính phủ như một dự án được tính toán chi ly. Và số tiền này phải được thể hiện cụ thể là bao nhiêu, bằng những con số tuyệt đối, chứ không chỉ căn cứ vào những chỉ số phần trăm. Đồng thời, cũng cần làm rõ cơ sở khoa học và khả thi của những chỉ số đó. Dù rằng, đây là việc không đơn giản bởi không ít đại biểu Quốc hội còn hiểu biết hạn chế về lĩnh vực này, nhưng ĐB Dương Trung Quốc cho biết ông không thể chia sẻ việc một số đại biểu đơn giản bày tỏ sự ủng hộ Chính phủ với những lời dặn dò như chỉ dùng vào việc này, không được dùng vào việc kia... Theo ông, nó phải được xử lý như một dự án lớn với những phương án thu chi và việc giám sát thật chặt chẽ và minh bạch. Chính phủ cũng phải cam kết trách nhiệm về hiệu quả của việc sử dụng khoản ngân sách đặc biệt đó.

Kết thúc phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu tổng kết một số vấn đề mà Quốc hội nêu ra. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2014 và định hướng đến 2015, đa số đại biểu Quốc hội tán thành mục tiêu tổng quát là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Về các chỉ tiêu chủ yếu 2014 - 2015, Quốc hội cơ bản tán thành. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cần rà soát lại xem xét có thể trình điều chỉnh một số chỉ tiêu dự kiến sẽ không đạt được so với kế hoạch Nghị quyết của Quốc hội đề ra trong 5 năm. Về các chỉ tiêu chủ yếu của 2014 - 2015, tăng trưởng kinh tế bình quân là 6%/năm (trong đó năm 2014 cố gắng đạt 5,8%), lạm phát 7%/năm. Tăng xuất khẩu, giảm nhập siêu, tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm 2013, 2014 là 5,3% GDP.

MINH GIANG - BẢO VÂN

- Kiên quyết loại bỏ thủy điện nhỏ

Tin cùng chuyên mục