
Hôm nay 2-8, Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII sẽ chính thức ra mắt. Trao đổi với báo chí, Phó Chủ nhiệm hai ủy ban của Quốc hội đều cho rằng với cơ cấu tinh gọn, Chính phủ mới sẽ hoạt động hiệu quả hơn.
Ông LÊ QUỐC DUNG, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH:
Bộ máy nhà nước không nên quá cứng nhắc
- PV: Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII có tới 5 Phó Thủ tướng. Theo ông, điều này có hợp lý?

Ông LÊ QUỐC DUNG: Tăng số lượng Phó Thủ tướng trong giai đoạn hiện nay là phù hợp. Việc này, khi làm tổ chức phải phân tích xem mỗi giai đoạn bộ máy cần người điều hành như thế nào. Hiện nay, chúng ta đang chuyển đổi, các ngành đang chuyển đổi từ cơ chế này sang cơ chế mới, có rất nhiều việc. Điều hành của Chính phủ mà ít quá thì không giải quyết được. Cho nên, kỳ này lấy lại 5 Phó Thủ tướng là có phần đặc thù, như tăng thêm nhiệm vụ chống tham nhũng hay Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
- Còn cơ cấu Chính phủ mới, giảm từ 26 xuống 22 đầu mối?
Cơ cấu như vậy là tương đối hợp lý. Tôi rất ủng hộ vì nó phù hợp với giai đoạn phát triển của đất nước. Tuy nhiên, vấn đề bất cập cuối cùng vẫn là nặng về bố trí cơ cấu sắp xếp. Quản lý nhà nước hiện rất mất cân đối trên một số lĩnh vực mà người dân mong đợi. Tôi lấy ví dụ là vấn đề về an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm; hay quản lý môi trường, chống tham nhũng... là những cái còn rất yếu. Sắp xếp ấy phải đi đến kết quả cuối cùng là khắc phục được những hạn chế này.
- Nhiều người lo ngại khi sáp nhập các bộ đầu mối giảm đi, nhưng các bộ lại phình to ra?
Sự sắp xếp theo bộ đa ngành đúng là có những thuận lợi, khó khăn. Thuận lợi là chúng ta xóa bỏ được rất nhiều cái tập trung. Các bộ hiện không còn quản lý, điều hành khu vực sự nghiệp, doanh nghiệp, phải chuyển hẳn sang quản lý nhà nước. Quá trình đó vẫn đang chuyển đổi. Thứ hai, chuyển quản lý đơn ngành sang đa ngành để gọn, tinh giản bộ máy. Tôi nghĩ đây là việc của Chính phủ, Quốc hội không nên can thiệp. Nhưng chúng tôi sẽ theo dõi và đòi hỏi cuối cùng là sự phân công ấy có chỗ giảm đi, có chỗ tăng lên. Bộ máy nhà nước là để điều hành, thực hiện nhiệm vụ chứ không phải là cái gì quá cứng nhắc.
- Qua việc tinh giản, sắp xếp bộ máy nhà nước, có thể hy vọng cải cách hành chính sẽ tốt hơn?
Cải cách hành chính là vấn đề rất bức xúc. Bộ máy nhà nước, có những bộ phận, những lúc, những chỗ đã kìm hãm sự phát triển, mà nuôi nó lại rất tốn kém. Với cơ cấu tinh gọn, bộ quản lý đa ngành, tôi chắc chủ trương phân cấp sẽ được Chính phủ làm mạnh mẽ hơn nữa. Và điều này sẽ có tác động đáng kể đến cải cách hành chính.
Ông PHAN TRUNG LÝ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH:
Sáp nhập các bộ không được mang tính cơ học
- PV: Theo ông, điểm mấu chốt trong việc cải cách cơ cấu Chính phủ là gì?

Ông PHAN TRUNG LÝ: Phải khẳng định rằng việc tinh giản đầu mối, giảm các khâu trung gian, tầng nấc ở các bộ sẽ đảm bảo việc chỉ đạo được liên thông, khắc phục chồng chéo, không rõ chức năng làm hạn chế hiệu quả cải cách hành chính. Nhưng điểm mấu chốt trong đổi mới cơ cấu bộ máy Chính phủ là đảm bảo việc sáp nhập các bộ không mang tính cơ học.
Ví dụ, việc nhập Bộ Thủy sản vào Bộ NN-PTNT, hay nhập Ủy ban Thể dục Thể thao, Tổng cục Du lịch vào Bộ Văn hóa - Thông tin, nếu làm không khéo thì ta lại bê y nguyên bộ máy, cơ cấu cũ vào một cơ quan mới, tức là hợp nhất mang tính cơ học. Tóm lại, việc gộp bộ máy từ Trung ương tới địa phương đều phải đảm bảo mục đích chính là để nâng cao hiệu quả công tác, tinh gọn theo tinh thần cải cách hành chính.
- Xu hướng bộ quản lý đa ngành đã được nhắc tới từ lâu, nhưng bản chất là phải tách được chức năng quản lý Nhà nước và sản xuất kinh doanh của các bộ. Ông nghĩ sao về điều này?
Chức năng quản lý nhà nước của các bộ phải tách khỏi chức năng sản xuất kinh doanh, đảm bảo các bộ thực sự là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực đó và bộ trưởng trở thành “Tư lệnh lĩnh vực”. Tuy nhiên, lộ trình xây dựng đa ngành, đa lĩnh vực cũng chưa phải đã giải quyết vấn đề ấy một cách triệt để, vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác và còn liên quan chức năng, nhiệm vụ của từng bộ. Chức năng, nhiệm vụ này sẽ do Chính phủ quy định trong nghị định. Việc có thực hiện tốt hay không, không phải nằm trong nghị quyết của Quốc hội mà phải căn cứ quy định trong nghị định của Chính phủ, căn cứ các luật Quốc hội thông qua về từng lĩnh vực, quy định việc quản lý như thế nào mới thực hiện được yêu cầu đó.
- Xin cảm ơn ông!
Hàm Yên ghi