- Sẽ ban hành nghị quyết về 6 vấn đề môi trường cấp bách
(SGGP).– Tiếp tục chương trình phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2013, ngày 30-1, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã thảo luận, đóng góp ý kiến về 7 dự án luật, pháp lệnh.
Bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Tiếp công dân; Pháp lệnh công tác quốc phòng ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Trong đó, đáng chú ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng tập trung sửa đổi, bổ sung về hệ thống tiêu chuẩn của danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng. Bổ sung hình thức khen thưởng cấp Nhà nước là Huy chương Thanh niên xung phong kháng chiến để tặng đối tượng thanh niên xung phong có quá trình cống hiến trong 2 cuộc kháng chiến.
Dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng đã làm rõ hơn một số quy định của luật hiện hành hoặc bổ sung những vấn đề mới phát sinh, bảo đảm việc tính thuế, nộp thuế phù hợp với thực tiễn; giảm thủ tục cho doanh nghiệp, giảm chi phí quản lý thuế; đồng thời bảo đảm sự đồng bộ với các luật, pháp lệnh được ban hành trong những năm gần đây.
Thảo luận về dự thảo luật này, các thành viên Chính phủ đã tập trung vào 2 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau là đối tượng không chịu thuế và việc nâng mức thuế tối thiểu được hoàn đối với đầu tư và xuất khẩu. Về đối tượng không chịu thuế, nhiều ý kiến đồng ý với quy định của dự thảo luật là chuyển dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố và khu dân cư từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế và áp dụng thuế suất 10%. Tuy nhiên, ý kiến của một số thành viên Chính phủ đề xuất cần cân nhắc áp dụng thuế suất 10% hay 5%. Về việc nâng mức thuế tối thiểu được hoàn đối với đầu tư và xuất khẩu, đa số ý kiến của các thành viên Chính phủ đồng ý với dự thảo luật là nâng mức tiền thuế đầu vào tối thiểu để được hoàn thuế từ 200 triệu đồng lên 500 triệu đồng trong trường hợp doanh nghiệp có dự án đầu tư kéo dài trên 1 năm.
Với các dự án luật, pháp lệnh này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, sớm hoàn thiện để trình Quốc hội.
Trước đó, trong ngày làm việc 29-1, cùng với thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Chính phủ cũng đã thảo luận về dự thảo nghị quyết của Chính phủ về những vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, dự thảo xác định 6 nhóm môi trường cấp bách để tập trung xử lý. Trong đó có các vấn đề: tình trạng thiếu quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản, làm tăng thêm các điểm nóng về ô nhiễm môi trường; chất thải rắn, chất thải y tế không được thu gom và xử lý triệt để; tình trạng công nghệ lạc hậu, chất thải dưới hình thức phế liệu nhập vào Việt Nam đang diễn biến phức tạp; đa dạng sinh học bị suy thoái và đe dọa nghiêm trọng, các loài, nguồn gen ngày càng giảm sút và thất thoái, số lượng loài có nguy cơ tuyệt chủng cao vẫn tiếp tục gia tăng.
Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, việc ban hành nghị quyết của Chính phủ là cần thiết nhằm tập trung nguồn lực trong bảo vệ môi trường. Từ việc xác định 6 nhóm vấn đề cấp bách nói trên, điều cần thiết là phải hành động mạnh mẽ, quyết liệt, cụ thể trong xử lý. Chẳng hạn, có thể kiên quyết dừng hoạt động các khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản để xảy ra ô nhiễm môi trường…
Phan Thảo