Nam bộ có lễ Kỳ yên sau tết, đám cúng đình nào cũng rộn rã bà con, bởi có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Người ta đến đình, cũng không nhiều người hiểu rõ trong đó thờ cụ thể vị thần vị thánh nào, một tên gọi chung là “Thần Hoàng Bổn Cảnh” (có nơi gọi là Thành Hoàng). Đình nào còn giữ được sắc phong của vua ban từ thuở xưa thì càng quý, có ngôi đình vài trăm tuổi đời là chuyện thường.
Nếu người ta lễ chùa thường dâng hương, dâng hoa thì đến đình bà con được phép cúng tế tùy vào khả năng kinh tế. Có nhà mần ăn khấm khá, cúng thần con heo quay, không thì cũng con vịt quay; còn dân nhà nông thì đơm mâm xôi nào mâm xôi nấy tròn đều, đầy đặn… Cái nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” quanh năm ruộng đồng với lúa nước thì hạt gạo, hạt nếp là lễ vật quý giá nhứt để cúng thần, chỉ mong một năm mưa thuận gió hòa, để cây trái vụ mùa bội thu.
Nam giới lo phần lễ nghi, đón tiếp khách, còn phái nữ lo chuyện mâm cỗ sau bếp. Từng nhóm người áo dài khăn đóng, đúng nghi lễ cứ lần lượt vào cúng tế thần, đám trẻ con hết trố mắt nhìn, lại chạy ra sân chí chóe. Nhưng tuyệt nhiên không đứa nào dám quấy khóc hay nghịch phá quá mức, bởi người lớn đã căn dặn: “Chỗ cúng ông thần đình linh thiêng nha con, không có được phá, ông thần quở”.
Người đến lễ thần, ngồi lại uống trà rồi về, hay ăn bữa cơm rồi phụ một tay dọn dẹp tùy ý, thậm chí 3 ngày Kỳ yên muốn tới lúc nào, ở lại đình ngủ qua đêm cũng được. Và một phần người ta mong chờ nhất mỗi dịp Kỳ yên là xây chầu hát bội, khách khứa ra vào lễ thần, ai nấy cũng dòm chỗ vỏ ca, nơi gánh hát bội chuẩn bị xây chầu. Và người nghệ sĩ nơi lễ Kỳ yên dẫu cân đai, áo mão, ông hoàng hay bà chúa uy nghi thì họ cũng bình dị như hồn quê, như mái đình… Bởi khái niệm nghệ sĩ nơi lễ Kỳ yên không phải là những ngôi sao hạng A, hạng B hay tên tuổi đình đám trong giới nghệ thuật, giải trí. Họ đơn thuần là những con người nặng nợ với hát bội, có người lọt lòng ngay vỏ ca đình, rồi theo nghề hát đến giờ, cái nghề cha truyền con nối cứ thế mà duy trì cả 3, 4 đời theo nghiệp hát bội.
Đám cúng đình đủ mọi âm thanh, từ tiếng người, đến tiếng nhạc lễ, giấc ngủ của người nghệ sĩ hát bội cũng chẳng được mấy chút. Vừa trên sân khấu còn là ông hoàng thì ngay dưới gầm là cái võng để ngả lưng tạm, áo mão kịp thay, còn phấn son thì cứ kệ, chợp mắt được lúc nào hay lúc đó.
Khi cuộc sống có nhiều loại hình giải trí, hát bội ở lễ Kỳ yên cũng không mấy mặn mà khán giả như thuở trước, và đào kép chính tóc cũng đã điểm sương. Câu hát Kỳ yên thuở nào vẫn còn nguyên tuồng tích, nhưng người nghệ sĩ hát bội thì “vinh hoa luống những đoạn trường”, “kiếp tằm vương tơ” mà chẳng mấy người nhớ đến.
Ai cũng đủ nghề tay trái để mưu sinh, để nuôi cái nghiệp hát bội mà một năm chỉ đôi lần ở lễ Kỳ yên, hai năm nay dịch giã thì kể như xong… Nhưng nói chuyện bỏ nghề thì giận đùng đùng, giận ra mặt liền, vì với họ hát bội đã ngấm vào máu, là hơi thở mà còn sức thì còn hát, không làm đào chính thì làm đào mụ, không làm tướng thì quân hầu cũng vui lòng. |