Người giao báo mở cái túi căng phồng, cất tiếng chào “Hello dear” và lôi ra tờ The Guardian - Người bảo vệ trang nhất tràn màu lửa, hỏa hoạn cháy rừng tháng 7-2018 tại Hy Lạp.
Tiếng chào làm tôi ngượng ngùng, bước thụt trở lại. Có lẽ cũng chỉ ở những thị trấn, thành phố xa xôi miền biên ải này người ta còn giữ kiểu chào thân thương như thế. Tại London, Liverpool, được nghe “hello” là hết. Anh Logan ngồi cạnh bàn bếp, sột soạt mở báo, khói cà phê thơm mỏng vờn lên mặt giấy, đọng lại trong tôi bức tranh buổi sáng vùng sơn cước trong lành hoàn hảo.
Mỗi ngày, anh Logan vẫn dành cả tiếng ngồi máy tính lướt Internet, nhưng thói quen đặt báo hàng ngày không bỏ. Với anh, mỗi ngày trả thêm vài chục penny để người ta giao báo tận nhà cũng đáng giá “Như thể mẹ tôi, bà tôi còn sống, sáng sáng mở cửa chờ người ta lanh canh giao những chai sữa bò không nhãn dán nhưng thơm ngon đến từng giọt. Họ ngồi đó, mỉm cười nhìn anh chị em tôi uống một hơi cạn cốc sữa, mép dính một viền trắng như mây”. Báo chí Anh chắc còn sống ổn, tôi nghĩ vậy. Nếu còn được nhiều độc giả như anh Logan, mỗi năm chi từ 400 - 500 bảng để đặt báo.
Hãy tận hưởng từng từ, từng chữ trên mặt báo với chi phí ít hơn. Đó là cách tờ The Guardian hay The Observer chăm sóc khách hàng như anh Logan: Độc giả đặt mua dài hạn sẽ nhận được chất lượng báo chí cao tương tự, nhưng giá thấp hơn. Người giao báo sẽ làm việc tận tụy, đáng giá từng xu của bạn. Trở thành người mua báo dài hạn đồng nghĩa được giao báo trong cả 4 tuần nghỉ hè, nghỉ lễ mỗi năm. Độc giả thoải mái thư giãn, tận hưởng đúng nghĩa từng dòng tin tức, từng công thức nấu món ăn cho đến xem lại các bài tóm tắt, bình luận, phân tích sáng suốt và trí tuệ của cánh nhà báo. Anh Logan ngồi tính với tôi: “Chọn thoải mái, chỉ đặt tờ thứ bảy, chủ nhật, cuối tuần hay 6 ngày, hàng ngày, được hết. Ra tận cửa hàng mua tờ The Guardian chủ nhật, anh phải trả 2,9 bảng. Đặt dài hạn chỉ trả 2,39 bảng, lợi hơn chứ, lại giao tận nhà”. Không chỉ đọc tin tức, anh Logan còn có niềm vui mở những trang giải trí trên báo, luyện trò Sudoku rèn trí nhớ, lấy bút dò cột tìm chữ, giải câu đố ở “Góc thú cưng” và cười rung vai trước các hàng tranh biếm họa...
Tôi kể với Logan rằng, trước khi đến được Carlisle thăm anh, tôi đã đi qua London, đi qua cả tiếng rao “take this” của người đàn ông đứng bên chồng báo Evening Standard dưới chân cầu Tháp. Không lạ chuyện phát báo miễn phí. Tôi chỉ hơi ngạc nhiên bởi các chồng báo như vậy đã để sẵn dưới ga tàu điện ngầm, trên bến xe buýt, và ngay trước người phát báo kia vài mét. Người qua đường tiện tay vẫn lấy một tờ kẹp nách, sao còn phải thuê một người đứng đó, bên một chồng báo, liên tục cất tiếng rao và trao từng tờ báo nóng hổi vào tay khách. Anh Logan đặt tờ báo xuống, tháo kính ra, nhòm tách cà phê đã cạn, bần thần: “Báo in ra bán được hay phát không cũng cần độc giả. Có người trao tay, có tiếng rao vang lên vẫn gần gũi thân tình hơn chứ. Cũng như anh muốn tiếp tục trả tiền cho người giao báo để hàng ngày còn được chào nhau một tiếng hello dear, gắn kết hơn là để đấy tùy lấy”.