
Trong 2 ngày 14 và 15-9, tại hội thảo góp ý hoàn thiện Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để bàn luận về một quy định rất mới: Cho phép doanh nghiệp (DN) cho thuê lại lao động. Vấn đề này đòi hỏi phải có sự điều chỉnh của pháp luật. Thế nhưng, nhiều quy định tại dự thảo lần 2 Bộ luật Lao động sửa đổi có khả năng khiến DN lợi dụng để xử ép người lao động (NLĐ).

Người lao động sẽ bị xử ép khi qui định về việc cho thuê lại lao động không chặt chẽ. Ảnh: M.HƯƠNG
Cho thuê để trốn nghĩa vụ với NLĐ
Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi định nghĩa: “Cho thuê lại lao động” là việc NLĐ đã được tuyển dụng bởi một người sử dụng lao động sang làm việc cho một người sử dụng lao động khác dưới sự điều hành của người sử dụng lao động sau nhưng vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động trước”.
DN cho thuê lại lao động phải bảo đảm các điều kiện chủ yếu sau: Có vốn điều lệ ít nhất là 5 tỷ đồng; Giao kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc có thời hạn xác định từ 12 tháng trở lên với ít nhất 100 người lao động; Có giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động do Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH cấp.
Tuy nhiên, về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn tỉnh Đồng Nai, cho biết: Mặc dù luật mới quy định nhưng thực tế, việc cho thuê lại lao động đã xảy ra. Nhiều DN tại Đồng Nai đã cho thuê lao động sang làm việc tại các đơn vị khác ở Bình Dương và các tỉnh lân cận. Thế nhưng lại nảy sinh chuyện chủ DN không vừa ý hay muốn đuổi việc lao động nào thì sẽ cho thuê, điều động đi thật xa để người đó gặp khó khăn như mỗi lần lãnh lương phải vượt quãng đường xa về công ty, tiền lương không được bao nhiêu nhưng phải tốn tiền xăng xe, không được sống gần gia đình... Khi NLĐ không có điều kiện làm việc sẽ phải tự ý bỏ việc. Như vậy, DN không phải trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc.
Cũng có tình trạng DN làm ăn thua lỗ, cho thuê lại lao động ở địa bàn xa trụ sở chính. Đến khi NLĐ trở về công ty cũ thì mới hay công ty đã giải thể, ban giám đốc biến mất. Đến lúc đó, NLĐ muốn đòi trợ cấp mất việc cũng chẳng biết đâu mà đòi.
Cần quy định rõ trách nhiệm của DN
Theo dự thảo, DN cho thuê lại người lao động phải thông báo cho NLĐ được cho thuê lại biết những nội dung liên quan trong hợp đồng mà DN đã ký với DN tiếp nhận lao động cho thuê. Tuy nhiên, theo ý kiến của các đại biểu, việc DN chỉ có nghĩa vụ “thông báo” cho NLĐ là chưa công bằng. NLĐ không những được thông báo mà cần phải có quyền thỏa thuận với chủ DN. Nói cách khác, việc cho thuê lao động phải được sự chấp thuận của NLĐ. Nếu công việc mới không phù hợp và địa điểm quá xa, NLĐ phải được quyền từ chối.
Về quyền của NLĐ được cho thuê lại, dự thảo Bộ luật quy định: “NLĐ được cho thuê lại có quyền được trả lương theo công việc như đối với NLĐ khác của DN tiếp nhận lao động cho thuê cùng làm công việc tương tự”.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, chuyên viên Ban Thi đua Chính sách LĐLĐ TPHCM nhận định: “Cụm từ “công việc tương tự” rất mơ hồ, khó xác định. Hơn nữa, nếu DN thuê lao động rồi bố trí vào một công việc được cho là tương tự nhưng có mức lương thấp hơn so với khi NLĐ làm ở công ty cũ thì NLĐ sẽ thiệt thòi”.
Ông Sơn đề xuất: “Nên quy định rõ: Nếu cho thuê lại thì NLĐ phải được hưởng mức lương bằng hoặc cao hơn mức lương đã ký trong hợp đồng lao động với công ty cũ. Mặt khác, thời gian cho thuê cũng phải có giới hạn, phòng trường hợp DN cho thuê quá lâu. Tốt nhất là nên quy định thời gian cho thuê tối đa”.
Một nội dung được các đại biểu đặc biệt quan tâm là vấn đề xác định trách nhiệm với NLĐ trong trường hợp bị tai nạn lao động. Đã có trường hợp NLĐ bị tai nạn nhưng cả công ty cho thuê và công ty thuê đều đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau. Do vậy, nhất thiết luật phải phân định rõ trách nhiệm của từng DN với NLĐ. Nhận xét những quy định về vấn đề cho thuê lại lao động, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng: “Nếu không có sự điều chỉnh, nội dung này trong Bộ luật sẽ không thể thực hiện được. Nếu có thực hiện được thì NLĐ sẽ là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất”.
Khắc Mai