Văn hóa ứng xử

Cho và nhận…

Nhớ tiết đông Hà Nội, thèm cái cảm giác “chạm vai gầy áo mẹ”, tạm gác một năm hối hả “cày cuốc”, lòng rạo rực xếp vội gánh hành trang cho chuyến bay tối về quê ăn tết. Bước vào phi trường, Vietnam Airlines (VNA) đón chào quý khách với lời cáo lỗi sẽ khởi hành trễ hai tiếng. Quen rồi, tết nào chẳng thế, không delay mới là chuyện lạ. Hộp cơm thịt heo kho, chai nước suối miễn phí đâu có là bao nhưng ít nhiều cũng thể hiện sự chăm sóc khách hàng.

Bước vào chuyến bay, sự ân cần cùng nụ cười thân thiện của các tiếp viên như cũng làm dịu nỗi bức bối, hành khách như cảm thông hơn với “gia cảnh” của VNA vì cảm nhận được họ đang gắng gỏi để vươn lên. Trong một môi trường hàng không rộng mở, đang xây dựng tính bình đẳng cao trong cạnh tranh, có sự tham gia hào hứng của các hãng hàng không trong và ngoài nước, sẽ không có chỗ cho sự độc quyền, và với những ứng xử ấy, VNA chỉ có “được” nhiều hơn.

Tết này Hà Nội không lạnh, không cả mưa xuân làm thỏa lòng du khách. Thiếu nữ Hà thành cũng vuột mất cơ hội chưng diện những bộ cánh mùa đông muôn màu vẻ. Thủ đô vẫn đón chào du khách bởi vẻ đẹp thiêng liêng, trầm mặc. Muôn nhà vẫn sum vầy đón xuân với đào, quất, lay ơn, violet, thủy tiên, trà, cúc, hải đường... Khu vực trước cửa Lăng Bác hoa đào và hoa ban đua nhau khoe sắc, quanh Hồ Gươm có những luống hoa được xếp chữ khá đẹp và công phu. Nhưng cảnh quan chung vẫn chẳng khác mấy dăm bảy năm trước.

Vẫn thiếu những con đường phố hoa rực rỡ, những điểm lễ hội vui chơi để điểm tô thêm nét lãng mạn, ngàn năm văn hiến của đất kinh kỳ. Ở khu trung tâm, các tụ điểm văn hóa giải trí vẫn sơ sài, đơn điệu như ngày nào, đây đó trên những trục phố chính, vẫn là sân khấu trống trải, từng ca sĩ nối nhau hát theo tiếng nhạc được thu sẵn. Dường như sự đầu tư chưa xứng tầm với tốc độ phát triển của đất nước hiện nay trong thời hội nhập để tạo niềm hứng khởi, lan tỏa trong người dân Hà Nội và đông đảo du khách, nhất là khi VN đang là điểm đến hấp dẫn.

Thú vui ẩm thực cũng là một phần không thể thiếu của chuyến du ngoạn. Quán cóc hè phố Hà Nội vẫn đủ món quà vặt, đủ ngon để lôi kéo các nam thanh nữ tú ghé vào. Thử ghé lại hàng phở vỉa hè khá nổi tiếng ở đường H.B.T, khách ngồi la liệt trên các ghế nhỏ, bàn ăn là những ghế đẩu xiêu vẹo, cáu bẩn, cô bán hàng lườm nguýt cắn cảu. Xô nước rửa chén bên cạnh cống rãnh hôi hám, giấy ăn bay vãi tứ tung. Món ăn của ký ức thời sinh viên bỗng nghèn nghẹn. Vội vàng, qua quýt đứng dậy ghé Tràng Tiền thưởng thức món kem cốm dẻo ngọt lịm, mát rượi. Người đông nườm nượp, chen lấn xô đẩy... Tâm điểm của đất Tràng An thanh lịch sao nay có vẻ suồng sã, xô bồ quá. Hoàng hôn thả bước bên hồ Trúc Bạch đón gió và tận hưởng cảm giác bình an bỗng đập vào mắt là rác rến phủ đầy lòng hồ. Càng ngẫm ra, cuộc sống có quá nhiều đổi thay, khấm khá hơn, tiếp xúc mở mang nhiều hơn, người ta cũng đòi hỏi một môi trường văn minh, một dịch vụ tốt hơn và giàu tính nhân văn… 

Tham gia Diễn đàn văn hóa ứng xử xin gửi về báo SGGP, 438 Nguyễn Thị Minh Khai Q3 - hay email: ngulongsggp@yahoo.com.vn

Dường như năm nào cũng thế, sau khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng, ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, quanh các điểm bắn pháo hoa đều ngập ngụa rác. Năm nay lại xôn xao về những hành vi làm vấy bẩn cả bức tranh xuân, đó là sự cố cướp hoa, cướp heo đất ở chợ hoa Nguyễn Huệ. Dù chỉ là chuyện ngẫu hứng, bồng bột của tuổi trẻ, nhưng sự thiếu ý thức, thiếu văn minh nơi công cộng là điều đáng lên án. Nhưng ở đây trước hết là thiếu cái tình với nhau. Cái tình của người thưởng ngoạn và người phục vụ. Nếu ai còn nghĩ đến những người đổ mồ hôi dọn dẹp, chỉnh trang để thành phố luôn được trang hoàng sạch đẹp văn minh chắc chẳng nỡ làm vậy. Người đời vẫn nói đừng bắt người khác nhận những gì mình không muốn nhận đó sao. Hãy thử “thương người như thể thương thân” trong mối quan hệ cho và nhận ấy.

BÙI ANH THƠ

Tin cùng chuyên mục