Mỗi ngày, trên địa bàn TPHCM có vài trăm xe gắn máy bị tạm giữ vì các lỗi vi phạm giao thông: Người điều khiển phương tiện không có giấy tờ xe, bằng lái xe; phóng nhanh, lạng lách, biểu diễn; sử dụng bia rượu quá giới hạn… Việc tạm giữ xe là chế tài bắt buộc với những lỗi vi phạm nặng, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời cho thấy sự quyết tâm của chính quyền TPHCM nhằm lập lại trật tự giao thông trong Năm an toàn giao thông 2012. Nhưng việc tạm giam xe lại nảy sinh những bất cập...
Chủ xe sẵn sàng bỏ xe
Trong một lần đi theo cảnh sát giao thông (CSGT) chấn chỉnh tình hình trật tự giao thông ban đêm trên đường Võ Văn Kiệt, chúng tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp người vi phạm bỏ xe ngay từ lúc vi phạm. Phần đông là “xe mù”.
Trung tá Lại Văn Ba, Đội trưởng Đội CSGT An Lạc, cho biết: “Chuyện này xảy ra khá phổ biến. Bởi lẽ, một chiếc xe “3 không” (không đèn, không biển số, không giấy tờ xe) mà những chủ kinh doanh gas, nước đá, gạo… mua chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng. Xe có giá trị quá thấp, mặt khác chủ phương tiện muốn đóng phạt cũng không có giấy tờ để đóng phạt. Thế là họ bỏ xe luôn”.
Tuy nhiên, dù biết chắc chủ phương tiện “bỏ của chạy lấy người”; dù phương tiện ấy số máy, số sườn không có… CSGT vẫn phải thực hiện đúng quy trình xử lý. Đó là lập biên bản, xác minh chủ phương tiện, đăng báo… rồi mới tiến hành đề xuất thanh lý. Thông thường, một quy trình như vậy kéo dài hơn 4 tháng. Nhưng, đối với các xe quá cũ hay giá trị thấp, chủ xe thường không đến nhận.
Ông N.V.Đ, 43 tuổi, nhà trên đường Hoàng Diệu, quận 4 cho biết: “Tôi mua chiếc xe gắn máy gần 15 triệu đồng. Cách đây không lâu thằng “quý tử” lấy xe đi chơi, bị CSGT bắt. Lỗi chồng lỗi, vừa chở 3, vừa tham gia gây rối trật tự công cộng, phóng nhanh, lạng lách… đã vậy còn không có bằng lái. Hôm đi lấy giấy phạt, tôi tá hỏa. Tổng cộng tiền phạt gần 8 triệu. Mượn người thân, bạn bè… không đủ tiền. Thế là tôi bỏ luôn!”. Nhưng đối với các xe gắn máy loại đắt tiền như SH, Dylan, Liberty, Piaggio… các chủ xe rất sốt sắng và mong chờ đến ngày lấy xe.
Xe 3 bánh chồng chất như nhà 2 tầng
Việc CSGT tăng cường xử phạt, tạm giữ xe đối với những trường hợp vi phạm các lỗi nặng về giao thông làm cho bãi giữ xe trở nên quá tải. Ông Nguyễn Văn Hiền, cán bộ bãi giữ xe vi phạm ở Công viên 23-9 cho biết: “Trừ các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, các quận, huyện còn lại đều gửi phương tiện vi phạm tại bãi này. Theo ước tính, mỗi tháng chúng tôi tiếp nhận khoảng gần 2.000 phương tiện bị tạm giữ tại đây và số xe không người nhận khoảng 1.700 chiếc. Các xe này chiếm diện tích khá nhiều trong bãi xe và gây tình trạng quá tải. Theo tôi, khi xác định “xe mù” thì chỉ cần lưu giữ 30 ngày. Sau đó, ra quyết định thanh lý được rồi”.
Tại khu vực giữ các xe vi phạm không người nhận, chúng tôi thấy xót xa cho những chiếc xe. Dưới lớp bụi khá dày, xen lẫn trong các “xe mù”, có rất nhiều xe gắn máy, xe tay ga có biển số nghiêm chỉnh, nước sơn còn khá mới. Một hiểm họa khó lường nếu xảy ra hỏa hoạn ở những bãi tạm giữ xe thế này.
Tương tự, việc xử lý xe ba bánh gắn máy vi phạm cũng không đơn giản chút nào. Dù biết chắc là không bao giờ chủ phương tiện đến lấy xe, cũng như xe không có giấy tờ… nhưng lực lượng CSGT vẫn phải lưu kho đến ngày được thanh lý. Tại thời điểm này, bãi xe ba gác vi phạm tại Đội CSGT Hàng Xanh chồng chất cao gần bằng nhà 2 tầng lầu. Một cán bộ CSGT ở đây cho biết: “Cách đây hơn 1 tháng, đơn vị đã tổ chức thanh lý nên bây giờ còn bấy nhiêu thôi. Lúc trước, xe ba gác chất chồng cao hơn và kéo dài đến tận hàng rào của đơn vị”.
Đoàn Hiệp
°Hỏi: Nhà tôi bị CSGT tạm giữ xe máy, vậy xin được hỏi những trường hợp vi phạm nào sẽ bị CSGT giữ xe máy và những trường hợp nào chỉ bị phạt bằng tiền? Trách nhiệm của người tạm giữ xe của chúng tôi như thế nào?
Lê Thị Phương Thanh (Cư xá Bắc Hải, quận 10)
°Trả lời: Theo Nghị định số 34/2010/NĐ-CP, đối với mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy, nếu người điều khiển có một trong những vi phạm sau đây thì người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện của người vi phạm đến 10 ngày trước khi ra quyết định xử phạt:
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy.
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên. - Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
- Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.
- Không có giấy đăng ký xe theo quy định.
- Người điều khiển xe mô tô không có giấy phép lái xe hoặc có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 6 tháng. -
Sử dụng giấy đăng ký xe đã bị tẩy xóa; sử dụng giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
- Không gắn biển số (nếu có quy định phải gắn biển số); gắn biển số không đúng với số hoặc ký hiệu trong giấy đăng ký; biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
- Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông hoặc người thi hành công vụ.
Theo Điều 46 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2008) thì người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải lập biên bản về việc tạm giữ.
Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại tang vật, phương tiện bị tạm giữ và phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ, người vi phạm. Người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện đó; nếu do lỗi của người này mà tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo hoặc hư hỏng thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo những biện pháp ghi trong quyết định xử lý hoặc trả lại cho cá nhân, tổ chức nếu không áp dụng hình thức phạt tịch thu đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể được kéo dài đối với những vụ việc phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 60 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, phương tiện. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản kèm theo biên bản tạm giữ và phải giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm một bản.
Về việc tạm giữ giấy tờ của người vi phạm, theo quy định tại khoản 3 Điều 57 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính thì trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy phép lái xe hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có những giấy tờ nói trên, người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm.
(Theo Cục Cảnh sát Đường bộ đường sắt)