Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) quyết định thành lập một đơn vị đặc biệt chuyên chống các hoạt động khủng bố và hành động cực đoan trên mạng.
Đơn vị này mang tên EU IRU, có sự dẫn dắt của 15 chuyên gia an ninh mạng và đang trong giai đoạn hoàn thiện để chính thức đi vào hoạt động trong tháng 7 năm sau. EU IRU sẽ theo dõi và ngăn chặn các tài khoản trên mạng xã hội và các trang Internet liên quan với tổ chức khủng bố. Đối tượng chính của EU IRU là lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong bối cảnh nhóm khủng bố cực đoan này đang ráo riết tuyên truyền, tuyển dụng các tay súng mới trên mạng. Bước đầu, EU IRU sẽ hợp tác với cảnh sát các nước trong việc gỡ những tài liệu tuyên truyền cực đoan trên Internet xuống.
Các quan chức an ninh châu Âu khẳng định, sự ra đời của EU IRU là cần thiết sau các vụ tấn công khủng bố nhằm vào Pháp, Tunisia và Kuwait. Họ đều thừa nhận rằng, khủng bố trong giai đoạn hiện nay, nhất là IS, đã phát triển theo xu hướng không thể lường trước được do mức độ phát tán nhanh của những tư tưởng cực đoan trên các trang mạng. Theo các nhà phân tích tại Viện Brookings ở Washington, Mỹ, số tài khoản Twitter liên quan với IS có thể lên đến con số 46.000. Trong số đó, số “Mạng lưới chân rết” phục vụ cho IS đang hoạt động rất mạnh và có khoảng từ 500 đến 2.000 tài khoản. Twitter là nơi chủ yếu để tuyển dụng các tay súng nhưng IS không tuyển người trực tiếp trên mạng xã hội này. Những trao đổi của IS với các thành viên tiềm năng thường diễn ra trên các dịch vụ trực tuyến khác, như Skype, WhatsApp và Kik.
Ước tính, trong năm 2014, IS đã tung ra hơn 2 triệu tin tức, hình ảnh, video và băng ghi âm lên Internet, thông qua hệ thống các mạng xã hội khác nhau, tạp chí trực tuyến Dabiq và một kênh truyền hình riêng có tên Caliphate Channel. Các hình ảnh, video của IS đều được phát tán nhanh, dịch sang tiếng Anh, Pháp, Đức… với mục đích rao giảng lý tưởng, lôi kéo và xúi giục các phần tử cực đoan tham gia liên minh khủng bố. Theo Europol, khoảng 5.000 người châu Âu (ở Anh, Pháp, Bỉ và Hà Lan) đã đi đến những vùng lãnh thổ do IS kiểm soát tại Iraq và Syria sau khi theo dõi những trang mạng này.
Trước sự ra đời của EU IRU, một số nước như Anh, Đức, Australia, Canada đã mở các chiến dịch chống khủng bố trên Internet. Bộ Nội vụ Pháp thành lập một đơn vị chống tuyên truyền trên Internet gồm 50 chuyên viên quân sự với mục tiêu hàng đầu là ngăn chặn và phát hiện các thanh niên bị IS “tẩy não”, có khả năng sang Syria hoặc Iraq và khoanh vùng các phần tử chuyên đi tuyển mộ người và các trạm liên lạc của IS. Pháp cũng kiểm soát chặt chẽ nội dung trên Internet và các mạng xã hội căn cứ theo luật chống khủng bố, sẵn sàng khóa các trang mạng kích động hay cổ súy khủng bố…
Nhận định về sự ra đời của đơn vị an ninh mạng mới của Europol, các nhà phân tích cho rằng vẫn còn quá sớm để nói về tính hiệu quả của EU IRU, bởi các trang mạng do IS thành lập đang trở thành một mối đe dọa lớn trên toàn cầu. Dù vậy, đây vẫn là một trong những kế hoạch chống khủng bố có tính khả thi nhất trong giai đoạn hiện nay. Các nước châu Âu cũng cần phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ để EU IRU có thể giảm thiếu tối đa những tác động của các tư tưởng cực đoan trên mạng.
THANH HẰNG