Chồng lấn quản lý đất đai, dân cư: Hàng trăm hộ dân chưa được cấp sổ đỏ

Hàng chục năm nay, khoảng 900 hộ dân ở xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) có nhà, sinh sống ổn định trên đất nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Thực trạng này đòi hỏi chính quyền địa phương cần có biện pháp tháo gỡ vướng mắc để người dân an cư, phát triển kinh tế.

Chờ đợi hơn 40 năm

Gia đình ông Bùi Đức Lợi (ở ấp 6, xã Xuân Bắc) từ tỉnh Quảng Trị vào huyện Xuân Lộc năm 1976, làm công nhân Nông trường quốc doanh Thọ Vực và được cấp 1ha đất trồng mía, xây nhà ở đến nay. Gia đình ông có 8 người con đã lập gia đình, mỗi người được chia 6m ngang đất mặt tiền đường Xuân Bắc - Bảo Quang xây dựng nhà ở, nhưng chưa được cấp sổ đỏ.

Ông nói: “Chúng tôi vào đây sinh sống đều theo chủ trương của Nhà nước, không lấn chiếm, nhưng mỏi mắt chờ sổ đỏ. Người dân nhiều lần kiến nghị chính quyền xem xét cấp sổ đỏ nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh”.

Theo ông Trần Thế Tĩnh, Trưởng ấp 6, xã Xuân Bắc, chỉ riêng ấp 6 có khoảng 700 hộ dân, nhưng 100% nhà đất không được cấp sổ đỏ. Người dân khi cần vốn đầu tư sản xuất, ngân hàng chỉ cho vay tín chấp hạn mức không quá 100 triệu đồng, vì không có sổ đỏ nên bà con gặp khó khăn về vốn đầu tư. Hay khi bà con muốn xây nhà kiên cố thì không được cấp phép xây dựng.

Ông Trần Văn Trình, Chủ tịch UBND xã Xuân Bắc, cho biết, về đất đai thì Nông trường quốc doanh Thọ Vực quản lý, còn về hành chính, dân cư, trật tự xây dựng thì xã quản lý.

Khu dân cư xã Xuân Bắc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai

Khu dân cư xã Xuân Bắc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai

Con đường Xuân Bắc - Bảo Quang dài khoảng 6km, dọc hai bên đường có các cụm dân cư mọc lên, nhiều ngôi nhà mới xây dựng khang trang, đó là nhu cầu cuộc sống phát sinh khi các gia đình tách hộ. Hơn 40 năm nay, câu chuyện về những căn nhà không sổ đỏ, không được tách thửa, không được xây dựng đã được cử tri xã Xuân Bắc đề đạt rất nhiều lần với chính quyền các cấp nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ ghi nhận, chưa có giải pháp nào cụ thể để giải quyết dứt điểm ước nguyện an cư lạc nghiệp của người dân.

Chưa cấp do chuyển đổi nông trường?

Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, xã Xuân Bắc được thành lập năm 1987 trên cơ sở tách từ xã Xuân Thọ và Nông trường quốc doanh Thọ Vực. Trong đó, diện tích đất có nguồn gốc từ Nông trường quốc doanh Thọ Vực quản lý là 1.391ha theo Quyết định số 448/QĐ.CT.UBT ngày 21-5-1977 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về thành lập Nông trường quốc doanh Thọ Vực, gồm các loại đất như đất ở, đất giao thông, đất sản xuất nông nghiệp.

Hiện có khoảng 900 hộ dân thuộc ấp 1, ấp 3B, ấp 4B, ấp 5 và ấp 6 xã Xuân Bắc đã và đang sinh sống, sản xuất ổn định từ năm 1977. Năm 2008, Nông trường quốc doanh Thọ Vực đã chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Thọ Vực, trực thuộc Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico).

Tháng 6-2010, UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thọ Vực (khu 3D) với diện tích hơn 522ha (đất của Nông trường quốc doanh Thọ Vực) cho Dofico thực hiện. Do việc kiểm kê, áp giá bồi thường, hỗ trợ mới đạt hơn 50%, một số diện tích đất thu hồi đang bỏ hoang không canh tác và người dân có nhà nhưng chưa được cấp sổ đỏ nên không được xây dựng mới.

Đến tháng 12-2017, Công ty TNHH MTV Thọ Vực trình phương án giải thể lên cấp có thẩm quyền, trong đó sẽ bàn giao cho địa phương quản lý diện tích đất giao khoán 593,15ha theo Nghị định 01/NĐ-CP (nay là Nghị định 135/NĐ-CP) có nhà ở xen lẫn đất nông nghiệp bị lấn chiếm, nhưng đến nay, công ty vẫn chưa bàn giao cho UBND huyện Xuân Lộc.

Theo ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, diện tích đất nói trên của Công ty TNHH MTV Thọ Vực quản lý đến nay vẫn chưa chuyển lại cho địa phương để lập phương án sử dụng đất theo Luật Đất đai. Khu vực các hộ dân chưa được cấp sổ đỏ cả đất nông nghiệp và quy hoạch đất ở nên chưa thể chuyển mục đích sử dụng đất.

Huyện Xuân Lộc đang thành lập tổ công tác phối hợp với Công ty TNHH MTV Thọ Vực rà soát các trường hợp cụ thể và báo cáo, đề xuất lên UBND tỉnh Đồng Nai để có hướng tháo gỡ những khó khăn của người dân cũng như công tác quản lý của địa phương.

Tin cùng chuyên mục