
Tháng 10-2007, UBND TPHCM đã ban hành Kế hoạch 6650 đưa ra 8 giải pháp cấp bách nhằm kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông (TNGT) nhưng kết quả thực hiện không được như mong muốn. Đâu là giải pháp hiệu quả và căn cơ nhất để kéo giảm ùn tắc và TNGT? Đây là nội dung đặt ra trong chương trình đối thoại trực tiếp “Nói và làm” tháng 5-2008 trên HTV9, sáng 4-5.
Nhiều giải pháp chưa hiệu quả

Xa lộ Hà Nội đoạn cầu vượt Thủ Đức thường bị kẹt xe vào giờ cao điểm. Ảnh: THÀNH TÂM
Mở đầu chương trình “Nói và làm”, Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo nhắc lại nhận xét của đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải rằng, ùn tắc giao thông tại TPHCM đang là điểm đáy và cần phải có biện pháp quyết liệt để kéo giảm. UBNDTP đã có Kế hoạch 6650 với các giải pháp cấp bách kéo giảm ùn tắc và TNGT từ tháng 10-2007.
Bà Phạm Phương Thảo cho rằng, giải pháp tuyên truyền, vận động là căn cơ, còn giải pháp mở rộng đường thì cần phải có thời gian, không phải một sớm một chiều là xong. Tỷ lệ đất dành cho giao thông tại các đô thị lớn trên thế giới là 15%, trong khi quỹ đất dành cho giao thông ở nội thị TPHCM hiện tại chỉ 1,7%. Đã có nhiều cuộc bàn luận tìm giải pháp, ghi nhận ý kiến chuyên gia, người dân nhưng kết quả lại không như mong muốn. Phải chăng những giải pháp đề ra quá tầm của thành phố?
Nói về Kế hoạch 6650, sau một hồi diễn giải về hoàn cảnh ra đời, mục tiêu, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTCC nhận xét, giải pháp đầu tiên là bố trí làm việc lệch ca, lệch giờ có làm nhưng chưa chính thức và cần được nghiên cứu thêm. Ngoài giải pháp tăng cường tuyên truyền và tập trung xử phạt được đánh giá là triển khai có hiệu quả thì các giải pháp còn lại như chấn chỉnh trật tự lòng lề đường, chấn chỉnh hoạt động xe buýt, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, thành lập ban chỉ huy chống ùn tắc giao thông… ông Phượng thừa nhận có làm nhưng còn hạn chế, lúng túng, hiệu quả chưa như mong muốn.
Theo ông Phượng, TNGT của quý 4-2007 so cùng kỳ năm 2006 có giảm, còn ùn tắc giao thông thì… tăng chút ít. Riêng TNGT trong quý 1-2008 đã giảm 19,1% và giảm 3 vụ ùn tắc giao thông so với cùng kỳ năm 2007(!). Ông Trần Thế Tuyển, Tổng Biên tập Báo SGGP cho rằng, cơ quan nhà nước nói Kế hoạch 6650 có hiệu quả nhưng qua kênh thông tin của báo chí, người dân đánh giá không có hiệu quả, thậm chí phá sản?
Nhà báo Thu An (Báo Tuổi Trẻ) cho biết, thông tin từ người dân cho thấy Kế hoạch 6650 thực hiện chưa tốt, chưa tới, hiệu quả chưa cao, cơ quan chức năng quản lý kém. Hàng loạt các công trình đào đường do bức bách về thời gian chấm dứt hiệp định vay vốn nên đã triển khai đồng loạt dẫn đến ùn tắc giao thông. Có những dự án chậm nhưng xử lý thiếu kiên quyết như gói thầu số 7. Những giải pháp có ý kiến trái chiều, lấn cấn thì không nên làm nữa, tập trung cho chuyện khác. Nhà báo Đình Xê (Báo Người Lao Động) nhấn mạnh, trên thực tế nhiều công trình đào đường vẫn dựng “lô cốt” sừng sững nhưng không thi công gây bức xúc trong dư luận.
Đề xuất nhiều giải pháp

Kẹt xe trở thành nỗi ám ảnh của người dân TPHCM.
Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Hữu Tín cho rằng chúng ta phải nhìn nhận thực tế, không tránh né. Những cái thuộc về nguyên nhân khách quan liên quan đến cơ chế chính sách, giá cả thì tiếp tục làm việc với các ngành, trung ương tháo gỡ. Nhưng phải nhìn nhận thực tế chủ quan là năng lực triển khai các dự án chậm, trong đó phải nói đến cả năng lực của cơ quan quản lý và các nhà thầu.
Ông Trần Thế Tuyển, Tổng Biên tập Báo SGGP đề ra 3 giải pháp cần phải thực hiện trong thời gian tới là tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường và xử lý các nhà thầu nhận công trình rồi “đắp chăn” không làm…
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu HĐND Trương Trọng Nghĩa cho rằng, phải đề ra giải pháp tổng thể là đúng hướng, căn cơ. Mỗi giải pháp đưa ra chỉ gây khó khăn cho thiểu số, ngắn hạn và có lợi cho đa số, lâu dài thì sẽ tạo được sự đồng thuận cao.
Theo Thượng tá Võ Văn Vân, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ (CA TPHCM), hiện tại một số tuyến đường cửa ngõ vào buổi sáng thì kẹt xe chiều vào, buổi chiều kẹt xe chiều ra. Thượng tá Vân cho rằng, phải có điều tra cơ bản số phương tiện lưu thông trên từng tuyến đường, từng thời điểm để có điều chỉnh giao thông hợp lý; phát triển giao thông công cộng và hạn chế xe cá nhân phải có lộ trình cụ thể…
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín cho rằng về lâu dài đầu tư vận tải hành khách công cộng phải gắn với lộ trình giảm xe hai bánh, hiện đã giao cho Sở GTCC nghiên cứu lộ trình. Từ nay đến 2010 sẽ khởi công 4 tuyến metro. Về lâu dài, phải di dời trường học, bệnh viện ra ngoại ô thành phố; phát triển các khu đô thị vệ tinh; hoàn thành các đường vành đai, trục hướng tâm, cầu vượt.
Kết luận buổi đối thoại, bà Phạm Phương Thảo nhấn mạnh, Kế hoạch 6650 đã đã thực hiện được 7 tháng nhưng ùn tắc, tai nạn giao thông vẫn là mối lo lớn. Vấn đề quan tâm là tuyên truyền vận động, ý thức chấp hành luật giao thông phải chuyển mạnh hơn nữa. Và hơn hết là phải thực hiện ngay đề án giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Về giải pháp chấn chỉnh đào đường trong thời gian tới, ông Trần Quang Phượng cho rằng, Sở GTCC có biện pháp tích cực hơn như buộc các nhà thầu phải bảo đảm diện tích chiếm dụng cho phép, có bảng thông tin, cho thanh tra sở kiểm tra chấn chỉnh. Ngoài ra còn có tổ đặc trách, thường xuyên đi kiểm tra, đơn vị nào vi phạm sẽ lập biên bản xử phạt, thậm chí buộc phải tháo dỡ nếu rào chắn 3 ngày mà không thi công. Ông Phượng hứa kiểm soát được tiến độ thi công và trong năm 2008 sẽ hoàn tất các công trình đào đường trên các tuyến: Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi, Trần Hưng Đạo, các tuyến còn lại sẽ hoàn tất trong năm 2009. |
HỒ THU
Thông tin liên quan |
* Các giải pháp cấp bách kéo giảm ùn tắc giao thông tại TPHCM |