Tại Cà Mau, UBND tỉnh chỉ đạo, đối với những xã “vùng đỏ” tiến hành phong tỏa toàn xã. Ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời (địa phương có nhiều xã vùng đỏ nhất của tỉnh), cho biết, việc phong tỏa dự kiến diễn ra khoảng 7-10 ngày. Khi phong tỏa thì triển khai nhanh việc xét nghiệm nhằm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, sau đó thu hẹp phạm vi phong tỏa.
Tại Bạc Liêu, tính đến sáng 8-11 đã ghi nhận 5.490 ca mắc Covid-19. Số ca F0 của Bạc Liêu tăng nhanh trong thời gian gần đây có liên quan đến các nhà máy chế biến thủy sản; đặc biệt là chuỗi lây nhiễm tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Tấn Khởi (thị xã Giá Rai). Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều yêu cầu, những địa bàn có cấp độ dịch là cấp 3 và cấp 4 thì người chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19 không được tham gia sản xuất, kinh doanh; còn người tiêm 1 mũi vaccine khi tham gia sản xuất thì công ty phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo phương án “3 tại chỗ” mới được phép hoạt động.
Tại Kiên Giang, từ tháng 10-2021 tới nay, tỉnh đã thí điểm F0 không triệu chứng và F1 được tự cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, với yêu cầu phải có không gian cách ly riêng, được y tế cơ sở theo dõi chặt chẽ hàng ngày. Tỉnh xét nghiệm sàng lọc 3 lần/7 ngày tại các địa phương nguy cơ cao và nguy cơ rất cao; quản lý chặt, theo dõi sát, chăm sóc tốt F0 ngay từ tuyến y tế cơ sở, nhằm giảm áp lực cho các cơ sở thu dung theo 3 tầng.
Tại Bình Thuận, 2 địa phương thuộc “vùng đỏ” của tỉnh là TP Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh. Ngày 8-11, TP Phan Thiết thiết lập 12 chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ ra và vào thành phố. Huyện Hàm Thuận Bắc thành lập chốt kiểm soát trên quốc lộ 28 để kiểm soát dịch. Hai địa phương này cũng đã ra quyết định hạn chế người dân ra khỏi nhà vào buổi tối.
Tại Đắk Lắk, tính đến sáng 8-11, toàn tỉnh có 5.149 ca mắc Covid-19. Trong đó, dịch phức tạp ở TP Buôn Ma Thuột. Từ ngày 6 đến 8-11, UBND TP Buôn Ma Thuột đã phong tỏa toàn thành phố để test nhanh, qua đó phát hiện hơn 100 ca nhiễm trong cộng đồng và tiến hành cách ly điều trị. Hiện nay, ngoài đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy, đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai cũng đã có mặt tại tỉnh Đắk Lắk để hỗ điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19.
Tại Đồng Nai, trong 7 ngày qua (từ ngày 31-10 đến 7-11), trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 6.705 ca mắc mới, tăng 50,4% so với 7 ngày liền kề trước đó (4.458 ca). Trong đó, ghi nhận 1.313 ca mắc trong cộng đồng (tăng 12,7%). Hiện số ca mắc Covid-19 trong cộng động có xu hướng tăng mạnh với trung bình 187 ca/ngày (giai đoạn giãn cách xã hội chỉ 5-10 ca/ngày).
Tại Bình Dương, những ngày qua dịch Covid-19 gia tăng, trong đó các địa bàn có ca mắc nhiều là TP Dĩ An, Bến Cát, TP Thủ Dầu Một. Nhiều trường hợp F0 điều trị tại nhà phản ánh không được cấp phát thuốc điều trị, hoặc được phát thuốc nhưng không đầy đủ, PV Báo SGGP đã liên hệ ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, để nắm rõ thông tin, nhưng ông Chương cho biết đang bận họp.
Tại Bình Phước, UBND tỉnh đưa các giải pháp kiểm soát chặt sự lây lan dịch bệnh từ bên ngoài, thiết lập chốt kiểm soát, tranh thủ tiếp cận nguồn vaccine và thiết lập thêm 3 bệnh viện dã chiến có quy mô tối thiểu 200 giường/bệnh viện.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ghi nhận ngày 7-11 có 154 ca mắc mới, trong đó có 104 ca ngoài cộng đồng. Hiện tỉnh đã kích hoạt lại một số bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 và để giảm áp lực cho các khu cách ly, địa phương đã có hướng dẫn cho F1 có nguy cơ thấp được cách ly tại nhà.