Mong muốn tìm và phục dựng nghệ thuật vẽ chữ cổ điển vốn một thời thịnh hành, Behalf Studio gồm các bạn trẻ 8X, 9X khởi xướng dự án “Tái bản” (Republish) phát triển thành công các bộ phông chữ mới miễn phí dành cho người Việt, mang cảm hứng hoài niệm về phông chữ thịnh hành một thời.
Đội ngũ trẻ dành thời gian để tìm đến những giá trị hoài cổ còn sót lại trong nhịp sống hiện đại của thành phố, như một tiệm cắt tóc tại quận 5 có biển hiệu vẽ tay, để diễn giải hữu hình về chữ cái “R” thuộc phông chữ “Barber” (thợ cạo), với ánh sáng được bố trí nhằm đem lại hiệu ứng hắt bóng hình và khối lên tường.
Hay nghệ nhân vẽ bảng hiệu nổi tiếng trong thành phố - Hoài Minh Phương, cũng góp sức cùng các bạn trẻ trong phần “Chữ là ngẫu hứng” bằng một bài thơ do ông sáng tác và thể hiện bằng bản chữ vẽ tay của mình. Bảng hiệu cho chiếc xe đẩy của một thợ sửa đồng hồ do ông vẽ, đã trở thành nguồn cảm hứng cho phông chữ “Finesse” (Mỹ nghệ) của Behalf Studio.
Trong quá trình phát triển và hoàn thiện những bộ phông chữ nguyên bản của dự án Republish, đội ngũ đã tìm đến và thu thập hình ảnh, câu chuyện cảm hứng để từ đó phác họa, thiết kế và tái hiện trọn vẹn những giá trị cốt lõi trong từng đường nét làm nên một nhân tố đặc trưng gắn liền với bản sắc mỹ quan và sinh hoạt của một nền văn hóa. “Không chỉ đơn thuần lục tìm và bảo tồn nét đẹp truyền thống, chúng tôi mong muốn truyền tải và chuyển hóa chúng thành một phần hữu dụng cho công việc sáng tạo của các ngành nghề đương đại thời nay”, Đoàn Hạ (thành viên thực hiện dự án) chia sẻ.
Người dùng có thể truy cập vào website: http://republi.sh để tải trọn bộ phông chữ về máy tính và sử dụng mà không mất bất kỳ chi phí nào. Từ nay đến hết ngày 7-2, tại The Nutshell Saigon (58/12 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3, TPHCM) Behalf Studio tổ chức triển lãm Republish: Chữ là chi... để giới thiệu đến khán giả bộ phông chữ xưa với 7 nội dung trưng bày: Chữ là quá trình, Chữ là góc nhìn, Chữ là kết cấu, Chữ là cảnh trí, Chữ là đối thoại, Chữ là ngẫu hứng, Chữ là nhịp diệu.
Trong khuôn khổ trưng bày của triển lãm, một khu vực dành riêng cho tác phẩm sắp đặt nhằm đào sâu và thử nghiệm về mối tương quan giữa chữ (vốn thường được xem là tĩnh) với môi trường và bối cảnh xã hội bao quanh (vốn luôn biến đổi).
Môi trường đặc thù ấy cũng được diễn giải qua âm thanh sắp đặt của nghệ sĩ Đỗ Tấn Sĩ. Tiếng xe cộ chạy ồ ạt, chật kín mọi nẻo đường, điều thân quen làm nên bản sắc riêng biệt của thành phố, đã được Sĩ thu âm và tái cấu trúc thành những đoạn lặp dài dai dẳng, với những thanh âm đôi khi có thể nghe ra và có thể là không, gợi nhắc đến sự xáo trộn và vội vàng khi ta lưu thông trên phố phường vào giờ tan tầm.