Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài

Biết chị qua một hoạt động nhân đạo, tôi khâm phục người phụ nữ giản dị mang trong mình đầy ắp những suy nghĩ vì mọi người. Công việc mà chị theo đuổi không vì tiền tài, danh vọng. Điều mà chị mong muốn là đem lại niềm tin yêu cuộc sống cho những em nhỏ thiệt thòi. Chị là Đỗ Thị Tuyết (Tuyết Minh) - Giám đốc Trung tâm bảo trợ nhân đạo Đại Phúc.

Xuất thân từ một làng nghề truyền Thống về thêu đan, mây tre, chạm khảm, và truân chuyên qua nhiều nghề: làm đồ gỗ, hàng thêu, xuất nhập khẩu đường, vải, khi đã có chút lưng vốn cũng là lúc Tuyết Minh thực hiện điều mình hằng tâm niệm: lập trung tâm dạy nghề cho mọi người, nhất là cho các cháu khuyết tật, mồ côi...

Chị quyết định mở một cơ sở dạy chính những nghề đó cho các cháu, một phần để lưu giữ lại những nghề truyền thống của quê hương, một mặt để hoàn thành ước nguyện của mình. Nhưng ước mơ của chị không chỉ dừng lại ở đó. Chị muốn xây dựng được nhiều cơ sở dạy nghề truyền thống ở nhiều địa phương để tạo công ăn việc làm phù hợp cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn.

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài ảnh 1

Chị Đỗ Thị Tuyết (bìa phải) chụp ảnh cùng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Năm 2006, một mình chị lên huyện Văn Lãng - Lạng Sơn kinh doanh, vừa đem cây nghệ lên cho nhân dân trồng thử, vừa bắt tay thuê đất xây dựng cửa hàng giới thiệu sản phẩm cho trung tâm dạy nghề của chị tại đây.

Mô hình phát triển thành công, mới đây, chị đã khai trương thêm một trung tâm bảo trợ nhân đạo lấy tên là Đại Phúc tại Cầu Giẽ - Phú Yên - Phú Xuyên - Hà Nội. Chị đang xây dựng tiếp một cơ sở dạy nghề có đầy đủ nơi ăn chốn ở cho các cháu tại TP Lạng Sơn với diện tích là 2 ha và vốn đầu tư 50 tỷ đồng.

Hiện chị đang tiếp tục xin thuê đất thành lập trung tâm dạy nghề tại Đỗ Xá, Thường Tín, Hà Tây và TPHCM. Chị nhớ lại: “Cũng có những thời điểm như năm 1990, công việc kinh doanh bị thiệt hại nặng do những biến động của thị trường. Mơ ước làm giàu, và cao hơn là làm điều thiện cho cuộc sống của tôi có lúc tưởng như sụp đổ…”.

Nhưng nghị lực, những ký ức thuở ấu thơ đã vực chị đứng lên để chị gây dựng lại sự nghiệp của mình và đứng vững được trên thương trường. Giờ đây, khi đã vững vàng trên thương trường và đủ khả năng giúp đỡ những người bất hạnh, nghèo khổ hơn mình, Tuyết Minh luôn tâm niệm phải làm bằng được những gì mình đã định bằng cả cái tâm của mình.

Tại những cơ sở của chị, các cháu có hoàn cảnh khó khăn đều có lương từ 800.000 - 1.000.000 đồng/tháng, còn các cháu khuyết tật thì được chị lo cuộc sống chu tất. Giúp các cháu có công ăn việc làm, tự nuôi sống được bản thân mình và có niềm tin vào cuộc sống - đó là niềm hạnh phúc của chị.

LINH NGỌC

Tin cùng chuyên mục