
Kỳ họp thứ 16 HĐND TPHCM khóa VII diễn ra trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và TPHCM là nơi bị tác động mạnh. 6 tháng đầu năm 2009, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) TPHCM đều giảm mạnh so với cùng kỳ; riêng tổng sản phẩm nội địa (GDP) chỉ ước tăng 4,6% (thấp nhất trong 10 năm qua). Trong khi đó, còn quá nhiều tồn tại, thách thức cũ lẫn mới đặt ra đối với lãnh đạo TP. Trước kỳ họp, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo (ảnh) để tìm giải pháp cho những vấn đề này.
- PV: Thưa bà, nửa chặng đường phát triển KT-XH năm 2009, nhiều chỉ tiêu đạt khá thấp so với cùng kỳ. Theo bà, đâu là nguyên nhân? Nửa chặng đường còn lại của năm, TP phải làm gì để đạt kết quả như Nghị quyết HĐND TPHCM đã đề ra?
- Chủ tịch PHẠM PHƯƠNG THẢO: KT-XH cả nước đang có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, do kinh tế TPHCM có quan hệ ngày càng sâu rộng với thị trường quốc tế nên ảnh hưởng nặng hơn và nhanh hơn nên tình hình còn nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, cũng còn sớm để khẳng định suy thoái kinh tế đã đi qua nên TP khó có thể đạt được đầy đủ các chỉ tiêu, nhiệm vụ KT-XH đã đề ra mà chỉ cố gắng đạt được ở mức khá nhất. Do vậy, nửa chặng đường thực hiện các nhiệm vụ KT-XH còn lại, TP cần phải lãnh đạo, chỉ đạo tập trung quyết liệt hơn nữa; tiếp tục thực hiện kích cầu; đẩy nhanh các công trình xây dựng cơ bản hạ tầng; mở thêm các hoạt động dịch vụ…
- Trong tình hình khó khăn trăm bề, càng cho thấy chỉ tiêu tăng trưởng GDP mà TP đề ra năm 2009 là 10% rất khó đạt được. HĐND TP có yêu cầu UBND TP điều chỉnh xuống không?
- Kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã điều chỉnh một số chỉ tiêu, trong đó, chỉ tiêu tăng trưởng GDP được điều chỉnh còn khoảng 5%, thay vì 6% - 6,5%. Ở TPHCM, UBND TP không trình việc điều chỉnh chỉ tiêu và cho rằng sẽ phấn đấu hết sức mình để đạt ở mức cao nhất có thể, vì vậy HĐND TP sẽ phát huy trí tuệ cùng với UBND TP tập trung hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành để KT-XH đạt kết quả cao nhất trên các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, dịch vụ… và an sinh xã hội.
- Trong điều kiện nguồn ngân sách eo hẹp nhưng qua báo cáo của cơ quan chức năng, trong năm 2008, TPHCM có đến 88 công trình chậm tiến độ, trong đó chỉ tính 69 dự án chậm trễ đã “móc túi” thêm ngân sách hơn 2.855 tỷ đồng, khiến dư luận khá bức xúc. Bà suy nghĩ gì về vấn đề này?
- Chúng ta còn nghèo mà sử dụng nguồn vốn ngân sách chưa hiệu quả, gây lãng phí do công trình chậm trễ khiến người dân bức xúc là đúng thôi! Có nhiều nguyên nhân khiến việc thực hiện dự án chậm trễ như: thủ tục đầu tư kéo dài; chủ đầu tư kém năng lực; giải phóng mặt bằng chậm trễ; dự án điều chỉnh nhiều lần… Tuy nhiên, những vấn đề này đều có thể khắc phục nếu sự lãnh đạo, chỉ đạo thật tập trung, quyết liệt, không dàn trải như thời gian qua tại nhiều công trình; gặp khó khăn gì thì phải tháo gỡ. Còn vướng mắc gì thuộc thẩm quyền của Trung ương thì đề xuất chứ đâu phải cái gì cũng bó tay. Bằng chứng là các công trình vốn ODA thời gian qua nhờ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nên tiến độ đã được cải thiện đáng kể. Thời gian tới, danh mục đầu tư công trình vốn ngân sách sẽ được xem xét kỹ hơn ngay từ đầu. HĐND TP chỉ xem xét, thông qua những công trình lớn, ảnh hưởng nhiều đến người dân, còn lại sẽ phân cấp mạnh cho UBND TP thực hiện. Như vậy, trách nhiệm cũng sẽ rõ ràng hơn.
- Lãnh đạo TP từng chủ trương nơi ở mới cho người dân tái định cư phải tốt hơn nơi ở cũ. Nhưng thực tế không phải vậy! Vẫn còn nhiều khu tái định cư chưa đạt chất lượng về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Đặc biệt, còn đến 944 hộ dân chưa được bố trí tái định cư. Giải pháp nào để giải bài toán này, thưa bà?
- Về vấn đề này tôi nghĩ không phải không có lối ra. Số hộ dân chưa được bố trí tái định cư trên đều có thể giải quyết được nếu có sự sắp xếp, phối hợp giữa các dự án tái định cư, giữa các quận - huyện. Địa phương cần phải kiểm tra, sâu sát hơn nữa vấn đề chất lượng sống, việc làm… của người dân sau tái định cư để tháo gỡ, giúp đỡ kịp thời và không thể để người dân tạm cư quá lâu. Có điều gì quá tầm thì đề xuất với TP.
- Nền kinh tế suy thoái làm hàng loạt doanh nghiệp tại TPHCM cắt giảm lao động, thậm chí đóng cửa khiến tỷ lệ thất nghiệp tại TPHCM tăng lên. Trong khi đó, lượng lao động nước ngoài nhập cư bất hợp pháp tại TPHCM chiếm tỷ lệ không nhỏ nên ít nhiều gì cũng tạo sự cạnh tranh không lành mạnh đối với lao động tại TPHCM. Vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao trong thời gian tới?
- TPHCM có tỷ lệ lao động nước ngoài nhiều nhất nước. Theo ước tính, cả nước có khoảng 80.000 lao động nước ngoài thì TPHCM có khoảng 50.000, trong số này số lao động có đăng ký hoạt động khoảng 12.000. Thực tế này đòi hỏi cần tăng cường công tác quản lý nhà nước của các ngành lao động – thương binh – xã hội, công an…
Để quản lý tốt, thời gian tới, phải kiểm tra, thống kê để nắm lại số liệu cụ thể. Mọi vấn đề đều phải được giải quyết theo đúng pháp luật, không thể xử lý nóng vội, gấp gáp. Về lâu dài, để kinh tế TP phát triển theo đúng hướng, phải tái cấu trúc lại lao động; phải quan tâm đào tạo nghề đầy đủ trên các lĩnh vực để nâng cao năng suất hiệu quả của nền kinh tế gắn với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP. TP cũng sẽ tiếp tục thu hút lao động nước ngoài có chuyên môn, kỹ thuật cao.
- Thưa bà, kỳ họp HĐND TP lần này cũng có bàn về công tác nhân sự?
- Tại kỳ họp này, HĐND TP sẽ xem xét bầu bổ sung 1 Phó Chủ tịch UBND TP thay thế nhân sự đã luân chuyển; 1 Ủy viên UBND TP; 1 Ủy viên Thường trực HĐND TP; 1 Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách; 1 Trưởng ban VH-XH nghỉ hưu.
- Xin cảm ơn bà!
Hôm nay 7-7, khai mạc kỳ họp lần thứ 16 HĐND TPHCM khóa VII Sáng nay 7-7, kỳ họp lần thứ 16 HĐND TPHCM khóa VII khai mạc và kéo dài đến 9-7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo. Tại kỳ họp này, UBND TPHCM sẽ báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2009; báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri sau kỳ họp lần thứ 14 HĐND TP khóa VII. Ngoài ra, HĐND TPHCM sẽ thông qua 6 tờ trình của UBND TPHCM về các vấn đề: thực hiện chế độ phụ cấp đối với cán bộ, viên chức làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy; đề nghị tăng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội và tiền ăn thêm cho đối tượng xã hội bị ốm đau nằm điều trị tại cơ sở y tế của các đơn vị sự nghiệp do Sở LĐTB-XH, Lực lượng TNXP và Sở Y tế TP quản lý; mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp bản sao từ sổ gốc, lệ phí chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trên địa bàn TPHCM; việc thu phí lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ trên địa bàn TP… Theo báo cáo của UBND TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2009, tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn TP đạt 135.060 tỷ đồng, tăng 4,6% (cùng kỳ tăng 10%), đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 5,9% (cùng kỳ tăng 10,8%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,3% (cùng kỳ tăng 10,3%) và khu vực nông nghiệp tăng 3,6% (cùng kỳ tăng 4%). V. ANH |
VÂN ANH thực hiện