Sáng 21-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất.
Thứ hai, chúng ta cần thích ứng an toàn với dịch, bằng cách bao phủ vaccine, chuẩn bị đáp ứng thuốc điều trị. “Nhưng không thể bỏ ngay toàn bộ các chỉ thị 15, 16, 19, không chuyền từ cực tả sang cực hữu, không được chủ quan dễ dẫn đến hậu quả xấu, mà phải vận dụng linh hoạt. Tiên quyết vẫn phải là 5K, vaccine, thuốc điều trị, phải luôn đề cao cảnh giác”, Chủ tịch nước nêu quan điểm.
Dẫn chứng Singapore tuyên bố giãn cách xã hội thêm một tháng, Nga cho làm việc ở nhà… Chủ tịch nước khuyến cáo nếu chúng ta chủ quan có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Đề cập đến những ổ dịch mới xuất hiện ở Cà Mau, Phú Thọ, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Nam Định, Chủ tịch nước cho rằng, chúng ta chưa phân tích biến chủng virus sắp tới thế nào nhưng trước tình hình như vậy, Chính phủ, ngành y tế phải có báo động đỏ để tiếp tục đề cao cảnh giác, phải có biện pháp kiên quyết kịp thời, rốt ráo hơn nữa để khoanh ổ dịch ở mức độ giãn cách khác nhau.
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, chúng ta cần chỉ đạo chặt chẽ trong phòng chống dịch. Không thể đóng cửa mãi, các quốc gia đã mở thì chúng ta cũng phải mở cửa để bảo đảm tăng trưởng, giải quyết việc làm, nhưng phải luôn trong tinh thần đề cao cảnh giác.
Chủ tịch nước cũng đánh giá cao việc các bộ ngành, địa phương đang sẵn sàng mở cửa, phục hồi kinh tế, kể cả TPHCM là địa bàn bị dịch tác động nặng nề nhất. Chương trình tái thiết của TPHCM hết sức quyết liệt, bước đầu nhiều lao động đã quay lại TP. Với truyền thống của người Việt Nam, với những tiềm năng phát triển, dư địa tăng trưởng còn lớn, hiện nay không khí làm ăn đã rất mạnh mẽ, Chủ tịch nước tin tưởng mục tiêu GDP năm 2022 tăng 6-6,5% mà Chính phủ đã đề ra sẽ đạt được. Chủ tịch nước nhấn mạnh có niềm tin vào sự điều hành của Thủ tướng, Chính phủ, các bộ trưởng sẽ kiểm soát dịch thành công, để năm 2022 kinh tế đất nước phục hồi mạnh mẽ, nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại “phong độ” mới.
Vẫn theo Chủ tịch nước, uy tín của Việt Nam với thế giới rất lớn. “Chúng ta cố gắng giữ một thể chế tốt, điều hành tốt, thu hút mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn nữa thì nhất định kinh tế Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ tốt hơn thời gian tới” – Chủ tịch nước chốt lại.
Một trong vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm là liên quan tới việc tăng lương cơ sở từ 1-7-2022, Với tình hình dịch bệnh hiện nay, việc tăng lương là khó khả thi. Vì thế, Chính phủ đã trình phương án lùi thời điểm tăng lương cơ sở. Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội khi thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2022-2024 cũng đã đồng tình với phương án của Chính phủ. Lý do là ngân sách trung ương năm 2021 dự kiến hụt thu khá lớn, khoảng 28.000 - 29.000 tỷ đồng, sẽ ảnh hưởng lớn tới nhiệm vụ của ngân sách trung ương. Việc thu từ bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp trung ương chỉ đạt 2,5% dự toán. Trong khi đó, ở khía cạnh chi, ngân sách nhà nước năm 2021 đã cấp 30.850 tỷ đồng cho phòng, chống dịch từ thời điểm dịch bùng phát. Dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 sẽ có khoảng 10.000 tỷ đồng chi thường xuyên, cũng như nguồn cải cách tiền lương còn dư, Chính phủ đề xuất chi cho lĩnh vực y tế để phòng, chống dịch.
Thảo luận về vấn đề này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tán thành lùi thời điểm tăng lương cơ sở vì trong điều kiện khó khăn hiện nay, dịch bệnh phức tạp, nguồn thu ảnh hưởng, chúng ta phải dành nguồn lực để phòng chống dịch. Bên cạnh đó, đời sống của người dân, nhất là người lao động còn nhiều khó khăn, do đó chưa nên nâng lương lần này. “Chưa nâng lương toàn bộ cho người hưởng lương nhưng nên điều chỉnh, nâng lương cho người nghỉ hưu trước năm 1995, vì những người này đang hưởng mức lương thấp, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đồng thời, cần chuẩn bị nguồn lực, tăng nguồn thu để có thể năm 2022, 2023, Chính phủ tiếp tục tính toán việc tăng lương cho công chức, viên chức, chứ không thể kéo dài việc lùi tăng lương. Quan điểm là phải có nguồn thu để tăng lương, tiếp tục tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, không thể đi vay để tăng lương”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
ĐB Lê Hoàng Anh (Hải Dương) cũng cho rằng, cần tăng dự phòng ngân sách 2022 để phòng dịch có thể bùng phát. Đồng tình chưa tăng lương nhưng phải xác định được thời điểm tăng lương tiếp theo, cũng như trước mắt nên tăng lương cho người nghỉ hưu trước năm 1995. “Cái gốc để tăng lương là phải xác định xong hệ thống thang bảng lương, vị trí việc làm. Chính phủ cần báo cáo tiến độ triển khai việc này. Chỉ có như thế mới thu xếp được nguồn để tăng lương”, ĐB Lê Hoàng Anh nhấn mạnh.
ĐB Lê Hoàng Anh cũng cho rằng, phải khắc phục ngay tình trạng trên bảo dưới không nghe, Trung ương chỉ đạo nhưng địa phương không làm. Chúng ta mở cửa nhưng vẫn phải thận trọng, nhưng không được thận trọng quá, gây "ngăn sông cấm chợ".