Trình bày chuyên đề về “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: Ngày 17-5-2025, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 197/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Nghị quyết này nhằm kịp thời thể chế hóa các quyết sách của Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị, tháo gỡ ngay những vướng mắc, bất cập về cơ chế tài chính, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, chuyển đổi số trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Nghị quyết số 197/2025/QH15 quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, có thể nói là chưa có tiền lệ, không chỉ là khoản chi 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm cho công tác xây dựng pháp luật, thành lập Quỹ Hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật mà cả cơ chế khoán chi, mức chi, chế độ, chính sách đặc biệt khuyến khích đối với đội ngũ cán bộ, công chức tại một số cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật và một số hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật.

Nghị quyết số 197/2025/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025, kỳ vọng sẽ tạo bước đổi mới đột phá, có tính chiến lược, kịp thời, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Nghị quyết số 197/2025/QH15 vừa có quy định chung, khái quát, mang tính nguyên tắc, vừa có một số quy định cụ thể để có thể thi hành ngay sau khi được thông qua. Các nội dung ngân sách bảo đảm chi và biện pháp bảo đảm thực hiện nhằm triển khai thực hiện thuận lợi, đúng quy định, đúng mục đích các cơ chế, chính sách đặc biệt cho công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật. Trong quá trình thực hiện, có thể điều chỉnh, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, để chế hóa chủ trương của Đảng về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan để tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, để thực hiện cuộc cách mạng về cải cách, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, cần phải sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan của Hiến pháp năm 2013 và 115 luật, 9 nghị quyết của Quốc hội, gần 20.000 văn bản dưới luật, nghị quyết của các cơ quan Trung ương và địa phương. Tại kỳ họp thứ 9 này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua trên 50 luật, nghị quyết để thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, đột phá phát triển khoa học công nghệ, tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương cụ thể hóa, hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết số 197/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Trong đó, tập trung ưu tiên đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để gắn với xác định rõ trách nhiệm, điều kiện bảo đảm thực hiện và cơ chế kiểm tra, giám sát; phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương và giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã; xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, an toàn, chi phí tuân thủ thấp; triệt để cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh, hành nghề, thủ tục hành chính bất hợp lý; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra; bảo đảm thực chất quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và quyền tự do hợp đồng, sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế…
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại kỳ họp thứ 9 này, Quốc hội sẽ tập trung sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng. Trong thời gian tới, tiếp tục xây dựng, ban hành, triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí; nghiên cứu, triển khai các mô hình mới để đưa nước ta trở thành trung tâm logistics lớn, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số; nghiên cứu xây dựng dự án Luật Chống lãng phí để kịp thời khắc phục, xử lý nghiêm minh những hành vi lãng phí nhằm tận dụng, khai thác các nguồn lực cho phát triển.

Về phát triển kinh tế tư nhân theo chủ trương của Đảng đã được xác định cụ thể tại Nghị quyết số 68-NQ/TW. Tại kỳ họp thứ 9, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân để kịp thời đưa chủ trương, quyết sách lớn của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân sớm đi vào cuộc sống; tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan và một số dự án luật có liên quan khác…
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 197/2025/QH15 phải xác định đúng, đủ nhiệm vụ của từng cơ quan, gắn với thời hạn thực hiện cụ thể, kết quả đầu ra rõ ràng, đồng thời, có cơ chế theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện bảo đảm để những chủ trương, quyết sách trong nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, mang lại những kết quả cụ thể có thể kiểm đếm và người dân cảm nhận được sự thay đổi theo chiều hướng tích cực; dứt khoát không để tình trạng “nói nhiều làm ít”, “nói mà không làm”.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, để đạt được các mục tiêu đột phá mà Nghị quyết số 66-NQ/TW đề ra, mỗi cơ quan, tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới phương thức lãnh đạo và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách chủ động, sáng tạo, thực chất. Mọi nỗ lực phải hướng đến mục tiêu chung: tạo dựng một nền pháp lý tiên tiến, hiện đại, minh bạch, tạo động lực mạnh mẽ cho khát vọng vươn lên của dân tộc. Nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề nhưng cũng hết sức vẻ vang. Mỗi cơ quan, mỗi cá nhân phải biến quyết tâm thành hành động cụ thể: đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, song song với việc thi hành nghiêm minh pháp luật và khuyến khích sáng tạo.
Xem toàn văn Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị tại đây.