Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2018 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) sáng 20-4, trả lời chất vấn trước toàn thể cổ đông, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, theo đề án tái cơ cấu của Sacombank sau sáp nhập là 10 năm, tuy nhiên HĐQT Sacombank sẽ nỗ lực cam kết với cổ đông hoàn tất sau chậm nhất là 5 năm. Nếu không, ông sẽ rời khỏi Sacombank.
Liên quan đến thắc mắc của cổ đông về việc nhà đầu tư mua cổ phiếu của Sacombank 2 năm nay không được nhận cổ tức, trong khi thù lao của HĐQT và Ban kiểm soát lên đến 2% trong tổng lợi nhuận, ông Minh trả lời “cứng” rằng: đề án tái cơ cấu của Sacombank được NHNN phê duyệt 10 năm. Trong giai đoạn tái cơ cấu, NHNN yêu cầu phải trích lập dự phòng để tăng tiềm lực tài chính nên ngân hàng không được chia cổ tức. Nếu cổ đông muốn nhận cổ tức thì phải chờ sau giai đoạn tái cơ cấu. Còn nếu thiếu kiên nhẫn thì hiện cổ phiếu Sacombank trên thị trường đã tăng, cổ đông có quyền bán ra để kiếm lời. Đó là sự lựa chọn của cổ đông.
Ông Minh cho biết, khi tái cơ cấu xong thì sẽ có cổ tức cho cổ đông đều đặn các năm, năm sau cao hơn năm trước. Và để có cổ tức sớm hơn khi ngân hàng đang tái cơ cấu, ông Minh cho biết Sacombank sẽ xin NHNN cho chỉnh sửa đề án tái cơ cấu để cuối năm nay hoặc chậm nhất 2019 sẽ trích lợi nhuận có được để trả cổ tức cho cổ đông.
Riêng phần trích 20% lợi nhuận vượt chỉ tiêu để thưởng cho cán bộ nhân viên, ông Minh cho rằng đó là điều hợp lý. Bởi lẽ, cán bộ nhân viên chính là những người lao động tạo ra của cải và lợi nhuận cho ngân hàng.
"Ngay cả bản thân tôi và HĐQT Sacombank cũng phải chịu thiệt thòi khi không nhận cổ tức chứ không riêng gì các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Chính vì thế, HĐQT Sacombank cam kết nỗ lực hết mình đẩy mạnh tái cơ cấu để hoàn thành chậm nhất trong 5 năm, và sớm nhất có thể khoảng 3 năm. Và thực tế, trong năm 2017, HĐQT Sacombank cũng đã xử lý được 20.000 tỷ đồng nợ xấu, trong khi mục tiêu đặt ra chỉ bằng một nửa” - ông Minh bày tỏ
Liên quan đến thắc mắc của cổ đông về việc Sacombank có sáp nhập với ngân hàng khác không, ông Minh khẳng định: Sacombank không có chủ trương sáp nhập thêm một ngân hàng nào khác mà chỉ tăng quy mô Sacombank và mở rộng mạng lưới; đồng thời tăng quy mô 2 ngân hàng con ở Lào và Campuchia để tập trung hoàn thành tái cơ cấu trong vòng 5 năm.
Tại ĐHĐCĐ Sacombank, tất cả các tờ trình đều được thông qua như: báo cáo hoạt động, phương án phân phối lợi nhuận, kế hoạch kinh doanh 2018, trích thưởng khi vượt kế hoạch lợi nhuận, thù lao và kinh phí hoạt động của HĐQT, Ban kiểm soát, tờ trình về sửa đổi điều lệ…
Đáng lưu ý, trong danh sách đề cử bổ sung thành viên vào HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2017 – 2021 ngoài bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank (được bổ nhiệm vào thàng 7-2017) còn có ông Nguyễn Văn Huynh (sinh năm 1953). Ông Huynh trước đó là Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), vừa từ nhiệm HĐQT ngân hàng này từ tháng 3-2018.
HĐQT của Sacombank cũng cho biết, trong năm 2018, Sacombank đặt kế hoạch nâng tổng tài sản lên 430.900 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cuối năm 2017. Nguồn vốn huy động đạt 399.100 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 255.200 tỷ đồng, tăng lần lượt 17,9% và 13,1% so với năm 2017. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.838 tỷ đồng, tăng 23,2%.