Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, các cơ quan quản lý đường bộ đã có khảo sát và ghi nhận về thực trạng lộn xộn trên cao tốc TPHCM - Trung Lương. Cục Quản lý đường bộ IV đã đề xuất thu phí trở lại để kiểm soát chủng loại và tải trọng của phương tiện, tạo nguồn thu ngân sách và đảm bảo chi phí thực hiện quản lý vận hành, bảo dưỡng thường xuyên, phát huy hiệu quả khai thác đường cao tốc. Tuy nhiên, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan vẫn đang họp bàn để đưa ra phương án phù hợp xử lý các vấn đề của cao tốc này.
Các vướng mắc còn liên quan đến việc cần phải sửa các văn bản pháp luật, vì có những vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ GTVT, phải được sự đồng ý của Chính phủ. Thông tin từ Bộ GTVT cũng cho biết, các cơ quan thẩm quyền vẫn đang soạn thảo các nghị định, văn bản hướng dẫn việc thu phí để hoàn vốn đối với các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách và các khoản vay ODA. Dự án đường cao tốc TPHCM - Trung Lương cũng chờ các văn bản pháp luật này để thực hiện đúng việc thu phí.
Cao tốc TPHCM - Trung Lương là dự án được đầu tư bằng ngân sách, được Tổng công ty Cửu Long bán quyền thu phí thời hạn 5 năm cho Công ty Yên Khánh. Hết thời hạn thu phí, từ 1-1-2019, Công ty Yên Khánh bàn giao lại tuyến đường cho Cục Quản lý đường bộ IV trong khi số tiền bán đấu giá và tiền thu phí vẫn chưa đủ để hoàn vốn 9.880 tỷ đồng. Từ thời điểm dừng thu phí, dự án này đã có lượng phương tiện tăng mạnh, gây nên tình trạng lộn xộn, mất an toàn cho các phương tiện tham gia lưu thông.