Chưa giảm thuế nhập khẩu ưu đãi xăng dầu

(SGGP).- Bộ Tài chính vừa có công văn phản hồi, đồng thời bác đề nghị cắt giảm thuế nhập khẩu ưu đãi xăng dầu của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam. Theo đó, từ nay đến hết năm 2015, vẫn giữ ổn định thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với các mặt hàng xăng dầu theo Thông tư 78/TT-BTC của Bộ Công thương (thuế suất thuế nhập khẩu với xăng là 20%, dầu diesel là 10%, dầu mazut là 10%, nhiên liệu máy bay là 10%, dầu hỏa là 13%).

Theo lý giải của Bộ Tài chính, từ 1-1-2016 trở đi, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt từ ASEAN (ATIGA) đối với các mặt hàng dầu diesel, mazut, dầu hỏa và các nhiên liệu máy bay sẽ được cắt giảm về mức 0%. Do đó, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu việc điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng dầu từ ngày 1-1-2016 trở đi, với nguyên tắc thực hiện theo đúng Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành; phù hợp với sự biến động của giá xăng dầu thế giới, phương án điều hành giá xăng dầu trong nước.

Liên quan đến phát sinh khoản chênh lệch trong hưởng thuế ưu đãi, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, Tổng cục Thuế vừa gửi công văn đến cục thuế các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường quản lý thuế đối với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Nguyên nhân là các doanh nghiệp đầu mối khi nhập khẩu xăng dầu từ các nước ASEAN được áp dụng mức thuế nhập khẩu theo thuế suất ATIGA (áp dụng đối với xăng dầu nhập khẩu trong khu vực ASEAN). Trong khi đó, Nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước theo thuế suất ưu đãi MFN (áp dụng với mặt hàng xăng dầu nhập khẩu ngoài khu vực ASEAN) và phát sinh khoản chênh lệch hình thành tại các doanh nghiệp đầu mối. Theo đó, Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế trong quá trình quản lý thuế, kiểm tra, thanh tra thuế tăng cường rà soát, có biện pháp, kế hoạch kiểm tra chặt chẽ chi phí, thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, việc kê khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp... để thu thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh đúng quy định.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục