Chưa kiểm soát được tình trạng trục lợi từ bảo hiểm y tế

Sáng 1-3, Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện lộ trình thông tuyến trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.
Chưa kiểm soát được tình trạng trục lợi từ bảo hiểm y tế

(SGGPO).- Sáng 1-3, Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện lộ trình thông tuyến trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, từ năm 2015, chính sách BHYT được tổ chức triển khai thực hiện với nhiều điểm mới theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, trong đó có quy định về thông tuyến trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Nhờ đó, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đã gia tăng nhanh chóng; việc cấp thẻ BHYT cho một số đối tượng là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo… được thực hiện kịp thời, đúng quy định…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại phiên giải trình sáng 1-3

Đáng lưu ý, việc thông tuyến không làm gia tăng số lượt khám chữa bệnh (KCB) chung và trong nhiều năm, từ năm 2009 đến năm 2015, quỹ BHYT luôn có kết dư. Riêng năm 2016, số thu BHYT cho KCB ước là 64.242 tỷ đồng và số chi ước là 69.410 tỷ đồng (ước bội chi là 5.130 tỷ đồng).

Nguyên nhân bội chi chủ yếu là do điều chỉnh giá dịch vụ y tế, sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong KCB, tăng cường chuyển giao kỹ thuật đối với tuyến dưới, mô hình bệnh tật thay đổi và một phần do thông tuyến.

Mặc dù số chi BHYT cao hơn số thu nhưng đây là điều đã được dự báo trước khi chính thức điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Do có số kết dư từ những năm trước được bổ sung vào quỹ dự phòng nên lũy kế đến hết năm 2016, quỹ BHYT dự phòng vẫn còn khoảng 49.000 tỷ đồng. Quỹ BHYT vẫn đảm bảo cân đối, đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân mà chưa cần phải điều chỉnh mức đóng góp BHYT trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, vẫn còn những tồn tại đáng lưu ý như chưa có biện pháp quản lý cũng như chế tài kiểm soát người đi KCB nhiều lần; nhiều nơi còn tình trạng chỉ định quá mức cần thiết; dịch vụ y tế và năng lực của cơ sở KCB chưa đáp ứng được hết nhu cầu và sự hài lòng của người bệnh… 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, tuy đã thực hiện cơ chế thông tuyến nhưng chưa thay đổi cơ chế quản lý sử dụng quỹ KCB BHYT nên cơ sở đăng ký KCB ban đầu được giao quản lý sử dụng quỹ KCB hoặc giao quỹ định suất nhưng lại không thực sự kiểm soát được người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu ở cơ sở này, nhưng tự ý đi KCB ở cơ sở khác. Bên cạnh đó, công tác giám định và hệ thống công nghệ thông tin chưa hoàn thiện, nên chưa kiểm soát được tình trạng người tham gia BHYT lợi dụng chính sách thông tuyến để đi khám chữa bệnh nhiều lần, nhiều nơi mà không phải vì nhu cầu KCB.

“Một số bệnh viện tư nhân có xu hướng xin xuống hạng (từ hạng I, II xuống hạng III hạng IV) để được xếp tương đương với bệnh viện huyện để được áp dụng cơ chế thông tuyến. Bên cạnh đó, với tính chất là một “doanh nghiệp” nên các cơ sở này có thể áp dụng các hình thức khác nhau, như: tặng quà, hỗ trợ phần chi phí cùng chi trả của người bệnh, hỗ trợ tiền đi lại, đưa đón người bệnh để “thu hút” người có thẻ BHYT đến KCB”, người đứng đầu ngành Y tế cảnh báo.

Bảo hiểm y tế đã bao phủ 81,7% dân số

Năm 2015, số thẻ BHYT đã tăng hơn 5 triệu so với năm 2014, đạt gần 70 triệu thẻ, bao phủ 76,2% dân số cả nước. Đến năm 2016, số người tham gia đạt trên 75,8 triệu người (tăng 8,3% so với 2015), bao phủ 81,7% dân số.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục