Chùa miếu ngày càng hoành tráng, xa rời thuần Việt

Tô màu, quét son, đắp vẽ những mẫu hoa văn xa lạ, đưa tượng thờ, linh vật ngoại lai vào trong công trình, sơn tượng bằng sơn công nghiệp, lắp đèn điện tử trên tượng…  là hiện tượng dễ nhận thấy ở phần lớn các công trình tôn giáo, tín ngưỡng được trùng tu, xây mới. Điều này khiến không chỉ những nhà nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng phải xót xa mà giới kiến trúc sư cũng cảm thấy hoang mang.
Chùa miếu ngày càng hoành tráng, xa rời thuần Việt

Tô màu, quét son, đắp vẽ những mẫu hoa văn xa lạ, đưa tượng thờ, linh vật ngoại lai vào trong công trình, sơn tượng bằng sơn công nghiệp, lắp đèn điện tử trên tượng…  là hiện tượng dễ nhận thấy ở phần lớn các công trình tôn giáo, tín ngưỡng được trùng tu, xây mới. Điều này khiến không chỉ những nhà nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng phải xót xa mà giới kiến trúc sư cũng cảm thấy hoang mang.

Càng mới… càng to

Trong hội thảo khoa học nghiên cứu, đánh giá các công trình tín ngưỡng tôn giáo xây mới do Viện Kiến trúc quốc gia tổ chức những ngày cuối năm vừa qua tại Hà Nội, rất nhiều kiến trúc sư đã không dấu diếm sự bất bình trước những hiện tượng lệch chuẩn này. Nhiều nhà khoa học nhận định, nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo phát triển mạnh trong vòng 20 năm qua, đòi hỏi cải tạo, xây mới một số công trình. Tuy nhiên, bên cạnh một số ít tác động tích cực thì các công trình xây mới này tồn tại nhiều hạn chế, thiếu sót.

Một trong những người tham gia thiết kế xây dựng chùa rất sớm, TS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Việt Nam), chia sẻ: “Mọi người nhắc chùa xưa nghĩ tới kích thước phải xinh xắn gắn bó với thiên nhiên. Vậy mà 20 năm gần đây, nói thật khi đến một số ngôi chùa tôi chỉ đám đứng ngoài, không dám vào. Vì không có cảm xúc, quy mô quá lớn mang tính dọa nạt, khiến con người thấy bị hòa tan, lạc lối”. Ông Ánh nhắc đến một loạt công trình nguy nga, tòa ngang dãy dọc bê tông cốt thép được dựng lên thời gian qua như chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), chùa Linh Ứng (Đà Nẵng), Bái Đính (Ninh Bình) và nhiều ngôi chùa quy mô lớn ở Đà Lạt. Những ngôi chùa này rất ít bóng dáng chùa Việt. “Cấu trúc, chức năng mới nhiều quá cũng làm tôi hoang mang. Công trình mới không truyền được thông điệp về kiến trúc, chi tiết. Tôi đến một số nơi như Đà Nẵng, Ninh Bình, Thái Bình thấy lộ ra: họ ham những thứ to lớn nhưng chi tiết vụng dại, tượng pháp thô kệch, không thấy sự gửi gắm của nghệ sĩ, người dân mà chỉ đơn thuần là vật chất tầm thường”, TS Trần Huy Ánh nói.

Chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) là một trong những công trình tôn giáo tín ngưỡng xây mới với quy mô hoành tráng

Đáng tiếc là xu hướng này được nhiều địa phương tán thưởng, thậm chí tạo mọi điều kiện thuận lợi như cấp đất, huy động vốn, san đồi, chặt cây để xây dựng với hy vọng là điểm đến thu hút khách du lịch tâm linh, đem lại những nguồn thu cho ngân sách, tạo nhiều dịch vụ đi theo mang lại nhiều việc làm và lợi ích cho địa phương. Tuy vậy, có vài kiến trúc sư có cơ hội tham gia thiết kế cũng không nghiên cứu thấu đáo mà dễ dàng thỏa hiệp để cho ra đời những công trình “chùa mới” phóng to tỷ lệ từ các ngôi chùa cũ. Vì vậy, trong thời gian qua đã xuất hiện khá nhiều công trình càng được đầu tư nhiều tiền (cả từ nguồn tiền của nhà nước và nguồn xã hội hóa), sai phạm trong xây dựng ngày càng lớn.

Sao chép kiến trúc một cách cơ học

Theo TS Tạ Quốc Khánh, Viện Bảo tồn di tích, thông thường việc xây mới trong các công trình tôn giáo, tín ngưỡng có những dạng sau: Xây thêm các hạng mục để bảo vệ công trình gốc như xây nhà che bia, nhà để đồ tế khí (chuông, kiệu rước…); bổ sung những hạng mục còn thiếu nhưng cần thiết để cải thiện, đáp ứng nhu cầu sử dụng như xây lầu Quan Âm, xây bàn thờ Mẫu, ban thờ hậu, tháp Phật…; khôi phục các thành phần đã bị hủy hoại, mất mát. Bên cạnh đó, còn có việc xây mới cả công trình khi công trình cũ đã bị phá hủy hoàn toàn nhưng nhân dân địa phương vẫn có nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, xây dựng ra sao, kiến trúc như thế nào cho hài hòa, phù hợp thì không phải công trình nào cũng làm được. Có một thực tế khá phổ biến, đó là ở nhiều địa phương, do việc sao chép mẫu mã công trình mà không có sự nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo trong thiết kế khiến nhiều công trình có kiểu dáng na ná nhau như cùng một mẫu cổng chùa, đền thì lại được xây dựng đại trà ở nhiều nơi hoặc đem mẫu cổng chùa xây dựng ở đền.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có vấn đề hạn chế về hiểu biết văn hóa, tín ngưỡng của những người có trách nhiệm quản lý, bảo vệ các công trình này. Ngoài ra, đội ngũ tư vấn, thi công cũng không có hiểu biết tường tận dẫn đến việc làm sai lệch kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng. Đây cũng là kết quả của công tác quản lý còn lỏng lẻo. Cho dù những quy định, luật pháp liên quan đến lĩnh vực tôn tạo, xây mới các công trình tôn giáo, tín ngưỡng đã có khá nhiều nhưng còn thiếu hệ thống, thiếu đồng bộ và vì thế, sự thực thi chức ngành quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành còn nhiều hạn chế, mà phần lớn là do chưa xác định rõ những chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể giữa các bộ, ngành và các địa phương. Công trình vẫn cứ tồn tại do các lợi ích vật chất nhưng trách nhiệm sai phạm thì lại né tránh, đùn đẩy giữa các ban ngành. Ngoài ra, do sự nhận thức của một số lãnh đạo địa phương hoặc chủ sở hữu nhiều nơi vẫn còn nặng tư duy to lớn mới đẹp. Vì thế, nhiều công trình trong số đó không quay trở lại được hình dạng ban đầu, thậm chí, nó còn vượt ra ngoài những quy chuẩn chung trong phong cách kiến trúc của tôn giáo, tín ngưỡng đó.

Nhận định về những hạn chế trong xây dựng những công trình tín ngưỡng mới hiện nay, kiến trúc sư Đỗ Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cho rằng, hiện vẫn còn thiếu sự phân chia trách nhiệm của 2 ngành văn hóa và xây dựng trong công tác khắc phục tình trạng tự ý tu bổ, làm hỏng di tích đã và đang xảy ra trong thời gian vừa qua.


MAI AN

Tin cùng chuyên mục