Chưa ngã ngũ về thẩm quyền xem xét quyết định dự án đầu tư công trung hạn

Kết quả xin ý kiến Quốc hội bằng hệ thống điện tử về 3 nội dung của dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) cho thấy cả hai phương án quy định về thẩm quyền xem xét quyết định dự án đầu tư công trung hạn đều không được 50% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Quốc hội thể hiện ý kiến bằng hệ thống biểu quyết điện tử
Quốc hội thể hiện ý kiến bằng hệ thống biểu quyết điện tử

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, có 3 nội dung của dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), mỗi nội dung đưa ra 2 phương án. Nếu phương án 1 đạt trên 50% đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành thì không tiếp tục biểu quyết phương án 2. Nếu chưa, Quốc hội sẽ tiếp tục biểu quyết phương án 2. Trên cơ sở đó, cơ quan soạn thảo, thẩm tra sẽ nghiên cứu tiếp thu, giải trình phù hợp.

Cụ thể, liên quan đến tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia (điều 7 và Điều 10), phương án 1 là giữ như Luật hiện hành, theo đó quy mô vốn của dự án quan trọng quốc gia phải được Quốc hội quyết định là 10.000 tỷ đồng, các tiêu chí cho dự án nhóm A, B, C không thay đổi so với hiện hành. Do đã có 75,83% tổng số ĐBQH tán thành phương án này, nên phương án 2 (nâng tiêu chí tổng mức đầu tư lên 20.000 tỷ đồng, quy mô dự án nhóm A, B, C cũng nâng lên tương ứng 2 lần) không được tiếp tục biểu quyết.

Đáng lưu ý, về thẩm quyền xem xét quyết định dự án đầu tư công trung hạn, đã không có phương án nào nhận được sự tán thành của trên 50% tổng số ĐBQH.

Phương án 1 (Quốc hội quyết định danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương hoặc ủy quyền cho UBTVQH quyết định) nhận được sự đồng ý của 48,37% tổng số ĐBQH, cao hơn phương án 2, nhưng cũng không quá bán.

Phương án 2, theo đó Quốc hội chỉ quyết định dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia. Chính phủ quyết định danh mục các dự án đầu tư từ nguồn vốn Trung ương, trước khi quyết định thì xin ý kiến UBTVQH (là phương án của Luật hiện hành) chỉ được 42,56% tổng số ĐBQH đồng ý.

Trước khi biểu quyết, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển nói thêm, đây là phương án được Chính phủ đề nghị và Thủ tướng cũng đã có văn bản giải thích rằng phương án này sẽ giúp công tác điều hành được linh hoạt, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả đầu tư công. Do không phương án nào quá bán nên cơ quan soạn thảo, thẩm tra sẽ tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình.

Nội dung thứ 3, về thời gian trình và thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn, có 60,70% tổng số ĐBQH đồng ý phương án 1, theo đó Chính phủ trình Quốc hội nhiệm kỳ trước cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công trung hạn, Quốc hội khoá sau sẽ quyết định và giám sát thực thi.

Tin cùng chuyên mục