
Trong quá trình hội nhập và phát triển, chúng ta đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực có chất lượng-trình độ kỹ thuật, kỹ năng nghề cao. Vậy nhưng, mỗi năm có hàng chục ngàn lao động xuất khẩu trở về nước mang theo hành trang tay nghề, kỹ thuật và kinh nghiệm làm việc trong môi trường công nghiệp, hiện đại lại không được tái sử dụng. Vì sao?
- Mới khai thác phần ngọn
Sau nhiều năm tham gia lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo cơ chế thị trường, Việt Nam đã đưa trên 42 vạn lao động đến gần 50 nước, vùng lãnh thổ làm việc.

Bình quân, mỗi năm VN đưa khoảng 60-70 ngàn lao động đi nước ngoài làm việc, trong đó 2/3 làm việc trong những nhà máy công nghiệp với nhiều ngành nghề khác nhau. Nhờ nguồn thu nhập hàng tháng cao gấp nhiều lần trong nước, số lao động đang làm việc ở nước ngoài gởi về nước khoảng 1,5 tỷ USD/năm, trong đó năm 2005 tăng lên 1,6 tỷ USD.
Nguồn ngoại tệ thu được từ ngành công nghiệp mới mẻ này được người lao động và gia đình họ sử dụng như thế nào? Có bao nhiêu lao động xuất khẩu trở về biết sử dụng kinh nghiệm làm ăn và những đồng vốn tích cóp từ những tháng năm lao động vất vả, cực nhọc để tự tạo việc làm hoặc trở thành chủ doanh nghiệp, chủ trang trại?
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước thì chưa có địa phương nào thống kê và báo cáo về bức tranh “hậu” xuất khẩu lao động ở địa phương mình ra sao.
Thực tế cho thấy, ngoài ưu tiên cải thiện cuộc sống, xây dựng nhà cửa, mua đất đai, vật dụng gia đình…, chỉ có một số ít dùng nguồn vốn này để đầu tư sinh lợi, tự tạo việc làm hoặc làm chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trang trại. Mặt khác, do trở về nước không có việc làm và không được chính quyền, cơ quan chức năng tại địa phương tư vấn dùng nguồn vốn làm gì cho hiệu quả, nhiều người trở thành tay trắng sau vài năm về nước.
Theo các chuyên gia về lao động, thời gian qua do đất nước còn nghèo, tỷ lệ thất nghiệp cao, chúng ta chỉ mới chú trọng khâu mở thị trường và đưa nhiều lao động đi nước ngoài làm việc. Như thế, mục đích mà chúng ta đặt ra mới giải quyết được phần ngọn - đó là tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, giúp họ đổi đời, xóa nghèo nhanh. Trong khi đó, cái được lớn hơn không đơn thuần là tiền - thu nhập thì chưa được chúng ta khai thác.
Làm việc trong môi trường đa quốc gia, hiện đại, lao động của ta trưởng thành rất nhanh. Họ được rèn luyện về tác phong công nghiệp, kỹ năng nghề nghiệp lẫn tính kỷ luật. Phần đông lao động đi tu nghiệp, làm việc ở các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc... đều được chủ sử dụng lao động nước ngoài đánh giá cao về tính chịu khó, thông minh, tiếp thu tay nghề, kỹ thuật mới nhanh. Nhiều lao động khá ngoại ngữ, năng động, chịu khó còn được chủ sử dụng nước ngoài cất nhắc vào các vị trí quản lý, quản đốc phân xưởng, tổ trưởng.
Sau 3 năm lao động ở nước ngoài trở về, ngoài tích lũy tiền bạc, kinh nghiệm sống, nhiều lao động còn mang về nước hành trang vốn tay nghề kỹ thuật và công nghệ của nhiều ngành công nghiệp như cơ khí, chế tạo, điện tử, sản xuất ô tô... Những ngành này đang phát triển ở Việt Nam và rất cần đội ngũ lao động có trình độ kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp đạt trình độ tinh xảo, thành thục.
- Thiếu chiến lược tái sử dụng lao động xuất khẩu
Trước yêu cầu phát triển, mở rộng đầu tư trong và ngoài nước, nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp trong nước đều khát nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao. Để đào tạo một lao động đạt trình độ kỹ thuật, tay nghề cao ở trong nước, nhà nước và người lao động phải đầu tư một số tiền khá lớn. Thế nhưng, nhiều năm qua, dù than vãn thiếu lao động kỹ thuật, lao động có tay nghề, nhiều địa phương hầu như chưa quan tâm và có chiến lược tái sử dụng nguồn nhân lực xuất khẩu trở về.
Đề cập đến vấn đề hậu XKLĐ, ông Nguyễn Thanh Hòa, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: “Trừ một số ít lao động tái đăng ký đi nước ngoài làm việc, số đông còn lại chưa hội nhập vào thị trường lao động trong nước để phát huy khả năng về tay nghề, kỹ thuật cũng như kinh nghiệm làm ăn ở nước ngoài”. Thực tế cho thấy, nếu được chính quyền, các cơ quan chức năng tại địa phương quan tâm bằng cách tư vấn, chỉ dẫn cách đầu tư đồng vốn sao cho hiệu quả hoặc giới thiệu việc làm phù hợp với tay nghề, kỹ thuật thì họ sẽ đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Cách đây 2-3 thập kỷ, thời kỳ nền kinh tế chưa phát triển, Hàn Quốc cũng coi xuất khẩu lao động là chiến lược tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Thế nhưng, ngoài việc tích lũy nguồn ngoại tệ làm giàu cho đất nước, lao động xuất khẩu Hàn Quốc còn đặt mục tiêu học cách quản lý, học nghề, tiếp thu trình độ kỹ thuật – khoa học cao ở các ngành công nghiệp nặng để về nước góp sức phát triển nền kinh tế Hàn Quốc.
Từ chính sách nhìn xa trông rộng đó, nhiều lao động đi xuất khẩu trở về đã trở thành chủ nhà máy, doanh nghiệp vừa và nhỏ-thành phần chủ yếu của nền kinh tế Hàn Quốc hiện nay. Chính họ đã góp phần đưa một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người từ 80 USD (cách đây hơn 3 thập kỷ) lên 17.000 USD hiện nay.
KHÁNH BÌNH