(SGGPO).- Ngày 1-8, tin từ Bộ Y tế cho biết Liên bộ Tài chính-Y tế chưa quyết định tăng tiếp viện phí từ 1-8 theo như lộ trình đã được thông qua trước đó.
Theo lộ trình, trong tháng 8-2016 tiến hành điều chỉnh giá các dịch vụ y tế bao gồm tính cả tiền công, tiền lương được áp dụng ở 10 tỉnh, thành phố có số người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) cao từ 90% - 95% trở lên. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng lo ngại viện phí tăng sẽ tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào thời điểm hiện nay nên phải cân nhắc lại thời điểm…
Trước đó, từ 1-3-2016, gần 1.900 dịch vụ y tế đã được điều chỉnh tăng giá với mức tăng trung bình 30% theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC. Theo lộ trình, từ nay đến cuối năm 2017 việc đưa lương nhân viên y tế vào giá viện phí sẽ được thực hiện tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc và dự kiến chia thành 5 đợt, nhằm giảm tác động tới người dân và CPI. Mỗi đợt điều chỉnh sẽ thực hiện ở 8 – 12 tỉnh thành. Đợt đầu tiên sẽ được thực hiện tại các địa phương có tỷ lệ dân số tham gia BHYT khoảng 95%; Đợt 2 được thực hiện tại các địa phương có tỷ lệ BHYT khoảng 90% và có mức tác động CPI thấp; Đợt 3 được thực hiện tại các địa phương có tỷ lệ BHYT bao phủ 85% dân số; Đợt 4 thực hiện ở các tỉnh có tỷ lệ BHYT trên 80% và đợt 5 tại các tỉnh còn lại.
Theo BHXH Việt Nam, sau khi điều chỉnh viện phí từ 1-3 đến nay, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra chất lượng dịch vụ y tế tại các bệnh viện trên toàn quốc. Qua kiểm tra, cơ bản đánh giá một số bệnh viện chất lượng có cải thiện, nhưng cũng có nhiều vụ việc tiêu cực về thái độ của nhân viên y tế thời gian qua được phát hiện cho thấy chất lượng dịch vụ y tế còn thấp, nhất là khâu đổi mới về tư duy và quản trị bệnh viện vẫn chưa tốt.
TƯỜNG LÂM