Tuy nhiên nhìn xa hơn, thực tế việc khai thác vẫn chưa được kết nối một cách bài bản, còn thiếu chiến lược mang tính lâu dài về thị trường khách có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày; tốc độ phát triển du lịch của vùng ĐBSCL còn rất khiêm tốn so với các vùng du lịch trọng điểm trong cả nước...
Về nguyên nhân, theo ý kiến của một số công ty du lịch, mặc dù các tỉnh, thành phố đang nỗ lực tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù nhưng vẫn chưa thể tìm ra lời giải cho sự trùng lắp sản phẩm du lịch. Bởi lẽ, chính điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng, thậm chí văn hóa có sự tương đồng đã tạo nên sự trùng lặp về tài nguyên du lịch giữa các địa phương trong vùng, dẫn đến sự cạnh tranh nội bộ trong việc thu hút khách du lịch giữa các địa phương, điểm đến đã và đang diễn ra hàng ngày.
Muốn giải quyết triệt để thực trạng trên, việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương cần được đặt trong bối cảnh xây dựng liên kết du lịch cho từng vùng, tiểu vùng. Điều này sẽ giúp mỗi địa phương nghiên cứu, chọn lựa để tập trung tạo ra sản phẩm du lịch phát huy các “giá trị nhân văn” riêng biệt. Quan trọng hơn, mục tiêu cuối cùng là làm sao cải thiện tư duy làm du lịch của cả cộng đồng dân cư, bởi đây là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, mang đậm bản sắc văn hóa và tính xã hội hóa cao.
Theo các chuyên gia trong ngành, du lịch ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu - đã và đang phá hủy nhiều nguồn tài nguyên và gây khó khăn cho việc phát huy những tiềm năng du lịch. Từ thực tế này đòi hỏi ngành du lịch ĐBSCL cần có tầm nhìn mới, những giải pháp mang tính toàn diện, đồng bộ, huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển bền vững; cần sớm có một khuôn khổ cho sự phát triển bền vững của môi trường du lịch trong chiến lược vận hành. Thực tế, tài sản lớn nhất của khu vực là cảnh quan độc đáo và đa dạng sinh học; sự tăng trưởng của số lượt khách đến và sự phát triển cơ sở hạ tầng cần phải được quản lý để đảm bảo giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên và những gì được ban tặng.
Để định hướng phát triển du lịch ĐBSCL trong thời gian tới, một chuyên gia nước ngoài cho rằng, phải xây dựng sản phẩm du lịch tại đây mang tính hiện đại, cải thiện tình trạng lưu trú, chú trọng phát triển du lịch sinh thái - nông nghiệp - trải nghiệm văn hóa và ẩm thực gắn với bảo vệ môi trường. Ba chủ đề chiến lược để xây dựng, phát triển du lịch khu vực này trong tương lai sẽ bao gồm: “Nghỉ dưỡng trên sông”, “Safari ĐBSCL”, “Khám phá sinh thái - nông nghiệp”, trong đó phải làm sao cải thiện số lượng khách đến và chi tiêu du lịch trong khu vực, cũng như cải thiện được hạ tầng giao thông, nhất là kết nối đường bay.
Mục tiêu đến năm 2030, du lịch ĐBSCL sẽ phấn đấu đạt con số 6 tỷ USD, thu hút khoảng 5 tỷ USD đầu tư. Để đạt được mục tiêu trên, ngay từ lúc này, các tỉnh ĐBSCL cần có giải pháp giúp đảm bảo tài chính, có chính sách khuyến khích và xây dựng cơ quan xúc tiến du lịch cấp vùng. Hiện các tỉnh thành trong khu vực đã bắt đầu chuyển mình tự xây dựng những chương trình du lịch mới, phù hợp với thực tế vùng miền nhằm nỗ lực thu hút du khách. Vấn đề liên kết giữa các vùng cũng đã được đặt ra từ lâu, nhưng không có “nhạc trưởng”, dẫn đến tình trạng khai thác sản phẩm du lịch chồng chéo nhau. Bây giờ cần phải điều chỉnh lại, để từng địa phương phát huy được thế mạnh của mình và liên kết các thế mạnh với nhau để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL, tạo nên sức mạnh của cả vùng.