
Vừa qua, báo SGGP đã có bài viết về giá trị lịch sử, văn hóa của Khu di tích lịch sử Đường Lâm, Hà Tây và việc bảo tồn giá trị vô giá ấy. Đây là vấn đề các nhà khoa học lịch sử, nhà quản lý quan tâm và đề xuất nhiều ý kiến khác nhau. Gần đây nhất là cuộc hội thảo vừa diễn ra tại Hà Nội nhằm đi đến điểm thống nhất chung cho việc bảo tồn khu di tích này. SGGP xin ghi lại một số ý kiến của các nhà sử học về các giải pháp tối ưu cho kế hoạch bảo tồn, tôn tạo khu di tích Đường Lâm.
GS Trương Hữu Quýnh:
Tôn tạo đúng với ý nghĩa lịch sử
Tôi muốn khẳng định lại vị thế của hai danh nhân kiệt xuất Phùng Hưng và Ngô Quyền trong lịch sử dân tộc. Về nhân vật Ngô Quyền, các nhà sử học đã tìm hiểu khá kỹ và biết nhiều đến vị vua này, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 937. Vậy mà vẫn chưa xác nhận được chính xác Ngô Quyền người gốc quê nào. Đường Lâm hay Thanh Hóa? Nay tôi tìm được một số tư liệu khá rõ ràng về gốc tích và gia phả của vị vua Ngô Quyền, tìm được sử liệu về Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, tôi đề nghị trong dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích Đường Lâm cần tôn tạo đúng với ý nghĩa lịch sử và thực hiện ngay trên nền đất cũ của ngôi nhà và ngôi đền thờ hai vị vua trên. Chúng ta cần tôn vinh hai danh nhân này đúng tầm quốc gia.

Nhà sử học Dương Trung Quốc tại hội thảo.
GS Đinh Xuân Lâm:
Gắn kết các cuộc chiến trận với nhân vật
Giá trị về văn hóa, lịch sử của khu di tích Đường Lâm trên mọi lĩnh vực đều rất to lớn. Chúng ta cần phải gắn việc tu bổ, tôn tạo di tích với văn hóa phi vật thể. Về tôn tạo và tu bổ văn hóa vật thể cũng cần gắn kết các cuộc chiến trận với nhân vật. Cũng bởi khu di tích này có sự liên thông giữa các triều đại với nhau, nên cần thiết quy hoạch thì phải làm xuyên suốt từ lịch sử cổ đại đến trung đại, cận đại và hiện đại.
GS Trần Quốc Vượng:
Cần xuyên suốt tổng thể lịch sử
Tôi đã có bản báo cáo tại hội thảo về Đường Lâm dưới góc nhìn địa lý-văn hóa-lịch sử. Vì vậy tôi chỉ nói ngoài báo cáo những gì tôi thấy các nhà khoa học cần thảo luận thêm. Ví dụ: Thân thế, gốc tích của hai nhân vật Phùng Hưng và Ngô Quyền đều cần làm rõ. Chúng ta đã tìm thấy gia phả của họ Phùng ghi khá rõ một thời của Phùng Hưng, cuốn gia phả đó được lưu giữ ở làng Triều Khúc. Nhân vật Phùng Hưng không lu mờ như sử liệu đã ghi. Tại rất nhiều nơi quanh Hà Nội, cũng như ở quê ông là Đường Lâm đều có đền thờ Phùng Hưng với từng sự kiện – Lăng Phùng Hưng ở Kim Mã, đình Hào Nam, đình Triều Khúc, đình làng Hòa Mục, làng Tây Hồ đều thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.
Nói về Đường Lâm là nói về xứ Đoài với địa thế tứ giác nước như Thành cổ Thăng Long. Dưới chân núi Tản có các sông nối và thông nhau, bao bọc Đường Lâm: Sông Tích,sông Đà, sông Đáy… bao vây tổng Tống Bình thuở đó. Tại đây có những ngôi đền, đình cổ nhất đều thờ Thần Tản Viên. Tôi đề xuất: Nếu làm bảo tàng cho Đường Lâm thì phải để xuyên suốt tổng thể lịch sử từ Hai Bà Trưng, Lý Nam đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền v.v…
Nhà sử học Dương Trung Quốc:
Nhấn mạnh tinh thần tự chủ của ông cha ta
Qua các báo cáo của nhiều nhà khoa học, tôi đề nghị đặt vị thế của Đường Lâm cao hơn vị thế của một làng cổ. Vì vị trí lịch sử của nó xứng đáng ở tầm quốc gia chứ không phải như dự án tôn tạo, bảo tồn làng cổ. Đường Lâm phải là bảo tàng lịch sử bảo tồn chứng tích của 12 thế kỷ thời Bắc thuộc. Nó chính là tinh thần tự chủ của ông cha ta suốt 12 thế kỷ Bắc thuộc. Chúng ta cần tôn vinh các danh nhân có chiến công hiển hách trong lịch sử nước nhà. Bàn về Đường Lâm chúng ta nên thóat ra khỏi quan niệm về bảo tồn làng cổ để nhìn nhận đúng vị thế lịch sử của Đường Lâm. Mong Bộ VH-TT có cách nhìn tổng thể để lịch sử nước ta không có khoảng trống 12 thế kỷ Bắc thuộc.
GS Phan Huy Lê:
Nên có một hội nghị chuyên gia cho từng lĩnh vực
Những điều nên làm là: Chúng ta cũng nên đặt các mối quan hệ của không gian và thời gian vào một cái nhìn tổng thể để bảo tồn, tôn tạo cho đúng lịch sử. Một số công trình vốn có trước kia thì nên khôi phục lại, ví dụ khu Văn Thánh Đường Lâm vẫn còn nền cũ. Cải tạo di tích khu di tích cũ như: Khơi nguồn, nạo vét sông Tích, tôn tạo cảnh quan xung quanh Đường Lâm, nối liền các di tích với nhau như trong sử sách.
Về dự án bảo tồn, tôn tạo Đường Lâm, cần xem xét kỹ niên hiệu và tên danh nhân trong sử liệu để dựng bức tường tôn vinh nhân vật lịch sử cho chính xác. Quan trọng là chúng ta nên thực hiện nghiêm túc, chứ không phải đầu voi đuôi chuột. Muốn thế, tôi đề nghị nên có một hội nghị chuyên gia cho từng lĩnh vực – Không phải hội thảo chung nữa – Ví dụ như: kiến trúc, xây dựng, môi trường, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… nhằm bảo tồn và tôn tạo gần đúng với lịch sử nhất trong từng lĩnh vực cụ thể.
THỦY VÂN
Nhắc đến xứ Đoài, người ta không thể không nói đến Đường Lâm – Vùng đất địa linh nhân kiệt, nổi tiếng về nhiều di tích lịch sử – văn hóa đã được xếp hạng: làng cổ Đường Lâm, với đình Mông Phụ rất đặc trưng cho ngôi đình Việt truyền thống, chùa Mía, đền phủ Đông Sàng, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, đình Đoài Giáp, đình Cam Thịnh, đền Và… và rất nhiều am thờ, miếu thờ các vị có công với nước được sử sách ghi danh từ thời Hai Bà Trưng đến thời hiện đại… |