Chương trình cho trẻ em - Cần cả giải trí và giáo dục

Làn sóng các chương trình truyền hình thực tế, game show cũng như nhiều nội dung giải trí trực tuyến hiện nay dành cho thiếu nhi đang đặt ra cho xã hội một câu hỏi, tính giáo dục và giải trí được cân bằng như thế nào?     
Thanh Bùi và Thùy Minh trong chương trình Giờ đọc trên HTV3
Thanh Bùi và Thùy Minh trong chương trình Giờ đọc trên HTV3
Quan tâm tính giáo dục 
Truyền hình thực tế, game show hiện nay chiếm ưu thế lớn là các chương trình dành cho thiếu nhi.   
Trong khi đó, trên các nền tảng giải trí trực tuyến, lựa chọn dành cho đối tượng nhí còn phong phú gấp hàng trăm lần. Có đến hàng nghìn, hàng triệu các nhà sáng tạo cung cấp nội dung giải trí dành cho thiếu nhi hoàn toàn miễn phí. Tiêu biểu tại Việt Nam có POPs Kids, liên tục hợp tác để đưa nhiều nội dung giải trí độc quyền cho trẻ em như series Doreamon, Pokemon hay trước đó là Boomerang, Tom & Jerry, Ben 10, Powerpuff Girls... Chỉ cần những cú nháy chuột và gõ các công cụ tìm kiếm trên YouTube, một thế giới nội dung được mở ra. Bên cạnh đó, hầu hết các chương trình đã phát trên tivi cũng được phát lại trên YouTube nên việc theo dõi cũng rất dễ dàng.  
Nhiều bậc phụ huynh hay những người quan tâm đến các chương trình cho trẻ em gần đây cũng phấn khởi hơn, bởi bên cạnh nội dung thuần giải trí, nhiều chương trình mang tính giáo dục đã được các đơn vị sản xuất quan tâm nhiều hơn. Trên sóng của VTV có: Cháu ơi cháu à, Con biết tuốt, Cố lên con yêu, Cuốn sách của em, Sáng tạo 102, Trường teen... HTV cũng đầu tư nhiều chương trình như: Thần đồng âm nhạc Wonderkids, Trong vườn nhà - Hương hoa cho bé và mẹ, Trò chuyện chuyện trò, Giờ đọc, Cặp nhiệt độ - Tổng đài tư vấn sức khỏe trẻ em, Mỗi ngày một điều hay, Nào ta cùng vui, Những hộp quà xinh... Riêng với HTV3, kênh truyền hình với định hướng giáo dục - giải trí dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng và gia đình, liên tiếp có nhiều chương trình mới được nhập về từ nước ngoài, cũng như tự tổ chức sản xuất.   
Giải trí vẫn lấn lướt 
Về mặt số lượng, các chương trình dành cho các em hiện nay ở cả mảng giải trí và giáo dục khá đồng đều, không còn tình trạng mất cân bằng như thời gian trước. Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Tổ hợp truyền thông và giải trí Mega GS nhận định: “Hiện nay, các chương trình dành cho đối tượng gia đình, đặc biệt là trẻ em, đang có xu hướng được yêu thích nhiều hơn. Tuy nhiên, để có trong tay bản quyền hay, hấp dẫn là cả vấn đề lớn”. 
Nghệ sĩ Thanh Bùi chia sẻ về lý do thực hiện hàng loạt chương trình cho khung giờ “nuôi con khỏe, dạy con cách văn minh” trên kênh HTV3-DreamsTV, cũng cho biết: Từ khi lên chức bố, ấp ủ thực hiện những chương trình truyền hình giáo dục kết hợp giải trí cho trẻ em ngày càng thôi thúc tôi. Tôi đã, đang và sẽ tập trung hết thời gian của mình để làm công việc này”. Đại diện của POPs Kids cũng chia sẻ, việc được khán giả đón nhận khiến đơn vị này có thêm động lực và cảm hứng để tiếp tục mang đến nhiều nội dung giải trí tích cực cho các bé.   
Xét trên bình diện truyền hình và truyền thông, các chương trình về giải trí vẫn đang được ưu ái hơn. Không quá lép vế, nhưng hầu hết các chương trình mang yếu tố giáo dục thường bị xếp vào những khung giờ xấu, không thực sự thuận lợi để các em nhỏ có cơ hội theo dõi. Trong khi đó, sóng giờ vàng của các kênh sóng truyền hình lớn thường được dồn cho những chương trình giải trí cao, vì có khả năng thu hút quảng cáo.
Mới đây nhất, Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm và thời lượng dành cho trẻ em, đồng thời cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm. Trong đó, các nội dung rất được quan tâm là hướng dẫn trẻ em kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ và kỹ năng an toàn; giáo dục giới tính, sức khỏe, dinh dưỡng; tìm hiểu, học tập, trao đổi kiến thức, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em... Về thời lượng và khung giờ phát sóng, đặc biệt với các chương trình khoa giáo, phổ biến kiến thức, cần ưu tiên khung giờ từ 6 - 7 giờ 30, từ 12 - 13 giờ 30 hoặc từ 17 giờ 30 - 19 giờ; các chương trình giải trí, ca nhạc, văn nghệ, kể chuyện, phim hoạt hình, trò chơi... ưu tiên khung giờ từ 18 - 21 giờ.

Tin cùng chuyên mục