Chương trình tích hợp Anh - Việt ở TPHCM: Phản hồi tích cực

Chương trình tích hợp Anh - Việt ở TPHCM: Phản hồi tích cực

* Đã có 18 trường và 600 học sinh tham gia

Ngày 12-5, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức hội nghị đánh giá việc triển khai đề án “Dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” và giải đáp một số băn khoăn của các hiệu trưởng về nội dung, chương trình tích hợp cũng như tính ổn định, liên thông của nó.

Cô Doberah hướng dẫn các em học sinh lớp 6 Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) thực hành thí nghiệm sinh học trong môn khoa học thuộc chương trình tích hợp. Ảnh: QUANG KHOA

Chương trình hấp dẫn, học sinh thích thú

Theo Sở GD-ĐT TPHCM, từ học kỳ 2 năm học 2014-2015, đã có 18 trường tiểu học, THCS với khoảng 600 học sinh đầu cấp là lớp 1 và lớp 6 đã triển khai chương trình này. Sau một thời gian ngắn thực hiện, các trường đều đánh giá tốt về chương trình và phụ huynh cũng có phản hồi tích cực trước kết quả học tập của con mình. Nhìn chung học sinh tham gia đều hứng thú với chương trình, phương pháp dạy học tiên tiến, nhất là học theo nhóm, học đi đôi với hành. Cụ thể, học sinh lớp 1 và lớp 6 được làm quen với chương trình về ngôn ngữ tiếng Anh và kiến thức của bộ môn Toán, Khoa học và phần đông đều vượt qua yêu cầu của chương trình.

Theo cô Trương Diệu Thừa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bàu Sen (quận 5), nhà trường có 38 học sinh lớp 1 tham gia chương trình và yên tâm với chất lượng giảng dạy của giáo viên bản ngữ. Họ chú trọng dạy học sinh làm việc theo nhóm, tổ chức nhiều trò chơi sinh động, qua đó hình thành khả năng phản xạ, rèn luyện kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh, sự tự tin… Tương tự, cô Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) cũng cho biết, trường có 55 học sinh lớp 6 tham gia và chỉ có 5 em xin ra vì không theo kịp chương trình, nhưng lại có 33 em mới đăng ký học chương trình này. Sau 18 tuần theo học, 90% học sinh đạt yêu cầu đặt ra, chỉ có 10% tiếp thu chậm, chưa theo kịp các bạn cùng lớp. Từ thực tế dự giờ, cô Thúy An đưa ra nhận xét: “Những giờ học bằng tiếng Anh với giáo viên bản ngữ luôn vui nhộn, học sinh năng động và hứng thú học tập”. Không những thế, chứng kiến hình ảnh giáo viên bản ngữ tận tụy, hết lòng với học sinh Việt Nam, trong đó có động tác gần gũi như quỳ xuống lắng nghe học trò nói cũng khiến cô và nhiều giáo viên trong trường phải suy ngẫm, học tập.

Để có đánh giá khách quan, ghi nhận hiệu quả ban đầu, Trường THPT Lương Thế Vinh đã tiến hành khảo sát đối với 22 học sinh lớp 6 đang theo học chương trình. Đa số các em, trong đó có nhiều em đã học ở các trung tâm ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài đều có chung nhận xét chương trình hay, nội dung phong phú, giờ học sinh động, vui nhộn nhờ kết hợp với nhiều trò chơi và giáo viên nước ngoài dạy dễ hiểu, lắng nghe học trò… Tuy nhiên, theo cô Hiệu trưởng Bùi Minh Tâm, cũng có học sinh cho rằng thầy dạy tiếng Anh hơi nhanh và các em đề đạt tăng thêm trò chơi trong giờ học. Kết quả trong 22 học sinh đầu tiên theo học chương trình, sẽ có 20/22 em đăng ký học tiếp ở lớp 7.

Cần có lộ trình liên thông các cấp học

 

* Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, trong giai đoạn đầu, TPHCM vẫn sử dụng 100% giáo viên bản ngữ, nhưng sau đó sẽ thay thế dần bằng cách đầu tư đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên Việt Nam đạt chuẩn, đủ năng lực ngoại ngữ, chuyên môn. Như thế chương trình sẽ triển khai rộng hơn và mức học phí sẽ giảm dần theo lộ trình (mức học phí theo học chương trình tích hợp hiện nay là 150 USD/tháng). Trong năm học 2015-2016, dự kiến sẽ có 34 trường tiểu học và 22 trường THCS, cùng một số trường THPT tham gia chương trình này.

 

Bên cạnh việc nhận xét đánh giá về ưu điểm, thuận lợi, nhiều ý kiến cũng bày tỏ một số băn khoăn vì chưa hiểu rõ nội dung tích hợp giữa hai chương trình Anh và Việt. Hơn nữa, tính lâu dài, ổn định, liên thông của chương trình cũng khiến phụ huynh chưa yên tâm. Thầy Trần Ái Việt, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) nêu thắc mắc: Với thời lượng 8 tiết dành cho chương trình các môn tích hợp bằng tiếng Anh này, từng môn Toán, môn Khoa học và tiếng Anh sẽ phân bổ thời gian như thế nào? Đó là chưa kể việc xử lý những trường hợp học đuối, có nguyện vọng xin ra thì số học sinh này có theo kịp chương trình tiếng Việt hay không? Riêng vấn đề quy đổi về điểm số, cách đánh giá học sinh từ chương trình tích hợp sang chương trình Việt sẽ thực hiện ra sao?

Nhiều ý kiến cũng cho rằng trước mắt việc triển khai đề án ở bậc tiểu học và THCS sẽ thuận lợi, nhưng lên bậc THPT có thể tắc nghẽn vì học sinh phải vượt qua cửa ải thi tuyển lớp 10. Như thế, nếu thi rớt không vào được những trường có dạy chương trình tích hợp thì nguy cơ không được học liên thông sẽ cao? Theo một số hiệu trưởng, trước thực tế học sinh học chương trình tích hợp biến động về số lượng, có thể xin ra và cũng có thể xin vào học thêm, nhà trường sẽ bị động, gặp khó khăn trong việc sắp xếp chỗ học, mở thêm lớp cho học sinh.

Giải đáp những thắc mắc trên, thầy Phạm Ngọc Tiến, Phó Trưởng phòng THPT Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: “Chương trình tích hợp sẽ phân bổ thời gian với 3 tiết dạy tiếng Anh, 2 tiết Toán và 3 tiết cho các môn Khoa học. Sở đã xây dựng chương trình tích hợp dạy các môn bằng tiếng Anh tương ứng với chương trình tiếng Việt, tuy có đi trước một chút nhưng không tạo sự cách biệt. Ví dụ, học sinh học hết lớp 6 chương trình tích hợp có thể chuyển qua học chương trình lớp 7 tiếng Việt”.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, TPHCM có cơ sở pháp lý để thực hiện đề án này và việc xây dựng chương trình tích hợp dạy các môn Toán, Khoa học bằng tiếng Anh cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng về chuyên môn. Nó được biên soạn từ chương trình tiên tiến trên thế giới, kết hợp với nội dung, chương trình tiếng Việt. Học sinh sẽ được thụ hưởng chương trình tiên tiến, mang tính quốc tế nhưng vẫn mang đậm bản sắc dân tộc, đảm bảo không quá tải. Vì thế, học xong chương trình, học sinh có thể lấy chứng chỉ quốc tế của Hội đồng khảo thí lớn nhất của Anh là Edexcel Pearson hoặc các tổ chức quốc tế khác để đi du học và hết mỗi cấp học được công nhận, cấp bằng của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, ông Hiếu cũng lưu ý chương trình này khác với chương trình tiếng Anh tăng cường, tự chọn, điều kiện đi kèm là gia đình tự nguyện, học sinh phải đủ năng lực tiếng Anh và các trường phải có đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên có trình độ, năng lực.

KHÁNH HÀ

Tin cùng chuyên mục