
Vừa qua, tại huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương đã xảy ra vụ án 2 lơ xe và tài xế xe khách số 18T-3494 đánh dã man một hành khách đến chết. Nguyên nhân cũng do chở khách quá tải, lừa đón hành khách rồi sang xe, gây bất bình cho hành khách, dẫn đến cự cãi. Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở các tuyến xe miền Trung, miền Bắc, mà tuyến xe miền Tây cũng rất phổ biến.
- Sang xe
Anh Trần Văn Nghĩa, cán bộ tài chánh xã Phụng Hiệp (huyện Phụng Hiệp tỉnh Hậu Giang) than về nỗi khổ mình bị sang xe. Anh kể: “Từ TPHCM tôi về Phụng Hiệp, nếu vào bến xe Miền Tây mua vé sợ chờ đến giờ xe chạy thì quá lâu, tôi đón xe đã xuất bến. Phụ xế hỏi tôi về đâu? Phụng Hiệp…lên luôn.

Hành khách đi xe với nỗi lo “may nhờ, rủi chịu”.
Nhưng xe chỉ chạy đến Vĩnh Long, tôi bị cho sang xe khác để đi tiếp về Phụng Hiệp. Mới thiu thiu ngủ, lại bị gọi xuống xe để sang xe lần nữa vì xe này chạy tuyến TPHCM – Cần Thơ. Chỉ về tới Phụng Hiệp mà tôi phải đi 3 chặng xe. Bực quá tôi có cự nự với tài xế và phụ xe, tức thì bị họ hùng hổ, chực ra tay đánh mình. Hoảng quá tôi đành nín thinh.”
Nhằm thu hút hành khách, nhiều công ty xe khách các tuyến đường miền Tây đã có nhiều cố gắng trong cung cách phục vụ hành khách, đúng nghĩa là “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Thế nhưng, cũng còn nhiều xe dù, xe thả…chạy theo giờ giấc tùy tiện, bến đỗ khắp nơi, chỗ nào có thể dừng lại được là đỗ khách.
Ai đã trót lên các loại xe mà cung cách phục vụ hành khách theo kiểu... trời ơi như thế kể như bị hành trên suốt chặng đường. Trước tiên là giờ xe chạy cứ kéo dài, dù xuất bến rồi vẫn chạy lên, đảo xuống cả tiếng đồng hồ để kiếm khách, sau đó là chở khách quá tải, băng ghế chỉ 3 chỗ, nhét 5 người ngồi.
Điều đáng nói là trò lừa đảo hành khách trắng trợn, chẳng hạn như xe chạy tuyến TPHCM – Cần Thơ vẫn rước khách đi Cà Mau ở dọc đường rồi về đến Cần Thơ thì cho khách… sang qua xe khác. Hiện tượng không lành mạnh này đã diễn ra từ lâu rồi, đến nay vẫn còn tiếp diễn, nhưng không bị cơ quan chức năng nào ngó tới.
- Cơm... chặt
Ngoài chuyện bị sang xe, hành khách còn bị... “chặt đẹp” bởi các quán ăn dọc đường. Thông thường thì mỗi xe đều có “quán mối” theo kiểu... thị trường. Chị Trần Thị Nga ngụ tại số 8 đường Trường Sơn (P15, quận 10) cho biết chị thường xuyên lên xuống tuyến đường miền Tây, qua nhiều hãng xe, nên biết tỏng tong xe nào là mối của quán nào.
Nếu xe Sài Gòn là ghé quán Vân Mập, xe Phương Vinh thì ghé quán Tám Ri, xe Tô Châu thì ghé quán Hưng Phát... Chị than phiền là chất lượng ở những quán như thế này cần phải góp ý, giá cả khá đắt. Một tô hủ tiếu… dưới trung bình nhưng tới 15.000đ, một chai xá xị 5.000đ, dĩa thịt xào bông cải 60.000đ, khăn lạnh cũng 2.000đ. Bởi vậy, nhiều người cho rằng các tuyến đường miền Tây tuy không có “cơm tù” nhưng có “cơm chặt”.
Để cho hành khách các tuyến đường miền Tây bớt khổ vì bị sang xe, thiết nghĩ Ban quản lý các bến xe nên có biện pháp xử lý thích đáng đối với các xe lừa đảo hành khách. Những hành khách khi bị lừa đảo như vậy, nên mạnh dạn tố cáo các xe đó với ban quản lý các bến xe để xử lý kịp thời.
Các địa phương có các quán ăn cũng cần kiểm tra thường xuyên để chấn chỉnh ngay các hoạt động không lành mạnh tại đây vì dù không có rào chắn như ở các quán cơm tù nhưng ở các quán này đã có biểu hiện biến tướng từ hình thức “cơm tù” thành “cơm chặt”.
NGUYỄN TƯỜNG LỘC