Chuyện đời trên xe buýt

“Em cho chị dừng ở trạm nào gần với đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận, TPHCM) để vào nhà người quen nhé. Chị mới vào TPHCM, đường xá còn lạ lẫm, được bạn hướng dẫn, chỉ cần đón 1 tuyến buýt 03 là đến tận nhà, không phải lo trời nắng, mưa”, người phụ nữ có giọng nói trầm ấm của người Hà Nội trò chuyện với tiếp viên khi vừa lên xe. Gần đến trạm, anh tiếp viên nhắc chị bấm chuông, chỉ tận tình điểm xuống, rồi hướng dẫn đường đi đến nhà người quen. 
Những ngày sau tết, nhiều chuyến xe buýt vắng vẻ hẳn so với ngày thường
Những ngày sau tết, nhiều chuyến xe buýt vắng vẻ hẳn so với ngày thường

Những ngày trước và sau tết, nhiều tuyến xe buýt tại TPHCM vắng hơn so với ngày thường. Dịch bệnh khiến học sinh học trực tuyến tại nhà, nhiều người ngại di chuyển bằng phương tiện công cộng. Nhiều tiếp viên than thở xe vắng khách quá, thậm chí có những chặng xe không một bóng khách. Thời buổi dịch bệnh, xe buýt nào cũng quy định khách lên xe phải đeo khẩu trang cẩn thận, lại luôn có nước sát khuẩn tay. Khách chưa kịp đeo khẩu trang, bác tài có thể dừng lâu hơn một chút ở điểm dừng để tiếp viên nhắc nhở khách đeo khẩu trang trước khi lên xe và đành từ chối nếu khách nào quên không mang theo.   

Xe buýt là phương tiện đi lại phổ biến với học sinh, sinh viên. Ngày thường, cứ giờ đi học hay tan trường, từng tốp đứng chờ ở các điểm dừng và lũ lượt bước lên xe, nhiều khi còn mải nô đùa khiến các bác tài, tiếp viên luôn miệng nhắc nhở nhanh chân. Những chuyến xe buýt đầu tiên trong ngày, các vị khách thường là những người trung, cao tuổi nhiều hơn. Họ là những người đi chợ sáng, đi khám bệnh, đi tập thể dục… Không ít nhân viên văn phòng, khách du lịch nước ngoài cũng chọn đi xe buýt vì ngại hoặc chưa quen di chuyển bằng các phương tiện giao thông khác. Xe buýt vừa an toàn, tiện lợi và cũng có thêm thời gian để vận động tay chân khi di chuyển giữa các địa điểm đến trạm dừng. Có người tất bật. Có người thư thả khi được ngắm phố phường qua cửa kính. 

Xe buýt được xem như “xã hội thu nhỏ” nơi mọi hỉ, nộ, ái, ố của cuộc sống có thể được “nghe lỏm” qua những câu chuyện, riêng tư cũng có mà công khai cũng không ít. Đó là chuyện cậu học trò trường tiểu học trên quận 1 nhưng ngày nào cũng tự mình bắt xe buýt xuất phát từ nhà ở quận 12. Cô tiếp viên biết chuyện, vừa lo, vừa thương, không quên dặn dò đủ thứ, lại luôn dành cho một chỗ ngồi trên xe. Là chuyện cậu bé bán vé số cùng bà ngoại thường được thương “miễn vé”, thỉnh thoảng có trái bơ, trái xoài hay gói bánh, cô tiếp viên lại để dành cho hai bà cháu. Có hôm, trước khi cậu bé bước xuống trạm dừng, cô tiếp viên cố tình dúi vội tờ 10.000 đồng vào túi. Nói là mua ủng hộ nhưng lại không lấy tấm vé số nào khiến cậu bé nhất mực từ chối. Nhưng, cũng có không ít những câu chuyện chưa đẹp trên xe buýt vẫn diễn ra hàng ngày. Nói chuyện điện thoại giống như ở nhà, nhiều khi còn bật loa ngoài, gọi video. Vô tư ăn uống, hay không giữ gìn vệ sinh trên xe; trốn vé, hay không ra hiệu khi lên xuống các điểm dừng… 

Khi dịch bệnh qua đi, các tuyến xe buýt tại TPHCM rồi sẽ nhộn nhịp trở lại. Nhưng, dù thưa vắng hay đông đúc, mỗi chuyến xe buýt không chỉ là hành trình từ điểm này đến điểm khác trong thành phố, nó còn chuyên chở biết bao nhiêu câu chuyện đời.

Tin cùng chuyên mục