Chuyên gia kiều bào đề xuất nên cấp phép khẩn cấp vaccine Nanocovax bởi 4 yếu tố

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân (kiều bào Mỹ) - Giám đốc khoa học Công ty IGY Life Sciences, Giáo sư kiêm nhiệm Đại học Arizona, nên đề xuất cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Nanocovax bởi 4 yếu tố: an toàn, hiệu quả, khả năng sản xuất và lợi ích.

Chiều 20-8, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức hội thảo trực tuyến (lần 2) với chủ đề “Chuyên gia kiều bào chung tay vượt đại dịch – Vaccine made in Việt Nam”.

Tham dự có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Phạm Công Tạc. Tại điểm cầu TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức và Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM Phùng Công Dũng tham dự.

Con đường nào để có thể sản xuất được vaccine trong nước?

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Phạm Công Tạc nhận xét, tình hình dịch Covid-19 trong nước diễn biến phức tạp, đặc biệt tại TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Theo ông Phạm Công Tạc, bên cạnh các biện pháp phòng chống dịch đang được triển khai thì làm sao sản xuất được vaccine trong nước là câu hỏi rất lớn. Trong hoàn cảnh cam go như vậy, rất cần kiều bào, chuyên gia ở nước ngoài – những người sống và làm việc ở những trung tâm khoa học lớn của thế giới - góp ý cho đất nước về “con đường nào để có thể sản xuất được vaccine trong nước”.

Thứ trưởng Phạm Công tạc mong muốn thông qua buổi hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học bằng chuyên môn và kinh nghiệm của mình có thể đưa ra các ý kiến góp ý, đề xuất, hiến kế để Việt Nam sớm có được nguồn lực vaccine góp phần trong việc khống chế dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay.

Chuyên gia kiều bào đề xuất nên cấp phép khẩn cấp vaccine Nanocovax bởi 4 yếu tố ảnh 1 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức và Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM Phùng Công Dũng tham dự tại điểm cầu TPHCM        

Phát biểu chào mừng hội nghị từ điểm cầu TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức thông tin, Nghị quyết 86 của Chính phủ đặt ra phương hướng cho TPHCM kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15-9. Đây cũng là trách nhiệm và thử thách rất lớn của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TPHCM.

TPHCM đã xây dựng kế hoạch tăng cường phòng chống dịch bệnh, chia làm 2 giai đoạn (từ 15-8 đến 31-8 và từ 1-9 đến 15-9). Mỗi giai đoạn có xác định nhiệm vụ cụ thể và TPHCM quyết tâm đến 15-9 sẽ kiểm soát được dịch bệnh.

Để có thể kiểm soát được dịch bệnh trước 15-9, TPHCM cần sự chung tay của người dân trong việc thực hiện nghiêm giãn cách theo Chỉ thị 16, tuân thủ 5K, tham gia tiêm chủng vaccine khi đến lượt…

Chuyên gia kiều bào đề xuất nên cấp phép khẩn cấp vaccine Nanocovax bởi 4 yếu tố ảnh 2 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại điểm cầu TPHCM 

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đánh giá, việc đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng vaccine có ý nghĩa quyết định trong chiến lược phòng chống dịch Covid-19. TPHCM tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng để sớm đạt mục tiêu bao phủ 70% vaccine cho người có độ tuổi từ 18 tuổi trở lên.

Vì vậy, TPHCM cần huy động và sử dụng tối đa mọi nguồn lực vaccine hiện có, tiêm chủng kịp thời các loại vaccine được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế cấp phép để mở rộng diện bao phủ vaccine.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, những đóng góp, hiến kế của các nhà khoa học, chuyên gia trí thức kiều bào là hết sức cần thiết và có nhiều ý nghĩa quan trọng đối với TPHCM. Trong giai đoạn khó khăn, mọi sự chia sẻ, đồng hành là rất quan trọng để TPHCM cùng cả nước sớm khống chế dịch bệnh, trở về trạng thái bình thường mới.

Rủi ro rất nhỏ nhưng lợi ích thì lớn
Tại hội thảo, TS. Đỗ Minh Sĩ, Giám đốc nghiên cứu phát triển – Công ty Cổ phần CNSH Dược Nanogen, giới thiệu tổng quan về vaccine Nanocovax. Công ty Nanogen đã nghiên cứu thành công dự tuyển vaccine dựa trên S-protein (dạng wild type và 4 dạng đột biến).
Theo TS Đỗ Minh Sĩ, tính đến thời điểm hiện tại, dựa trên kết quả thử nghiệm có thể đánh giá về mức độ an toàn thì vaccine Nanocovax tương đối an toàn. Các tình nguyện viên khi tiêm đa số có phản ứng nhẹ hoặc không phản ứng phụ. Hiệu quả của vaccine chưa tính được, tuy nhiên chỉ số đáp ứng miễn dịch ở huyết thanh của người tiêm vaccine Nanocovax cao hơn so với huyết thanh của người nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh.

TS. Nguyễn Hữu Huân (kiều bào Mỹ) - Giám đốc khoa học Công ty IGY Life Sciences, Giáo sư kiêm nhiệm Đại học Arizona nêu ý kiến nên đề xuất cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Nanocovax bởi 4 yếu tố: an toàn, hiệu quả, khả năng sản xuất và lợi ích.

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, về cơ sở khoa học, các vaccine dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp là an toàn. Thực tế cho thấy các vaccine dựa trên công nghệ này hiện đang lưu hành khẳng định điều đó.

Về hiệu quả, kết quả thử nghiệm của các vaccine Covid-19 đang được sử dụng trên thế giới đều cho thấy kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 phù hợp với kết quả giai đoạn 1 và 2 (tác dụng bảo vệ liên quan trực tiếp đến kháng thể trung hòa). Nanocovax tạo kháng thể trung hòa tốt (kết quả thử nghiệm giai đoạn 2 đã cho thấy).

Đánh giá về lợi ích, theo TS. Nguyễn Hữu Huân, cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Nanocovax là cơ hội thành công cho Việt Nam trên lĩnh vực tự sản xuất được vaccine và tự khống chế được đại dịch.

TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng sử dụng đại trà vaccine Nanocovax tại thời điểm hiện nay rủi ro rất nhỏ (nếu có thì theo lý thuyết thấp hơn các vaccine hiện đang được lưu hành) nhưng lợi ích thì lớn.

Chuyên gia kiều bào đề xuất nên cấp phép khẩn cấp vaccine Nanocovax bởi 4 yếu tố ảnh 3 Các chuyên gia kiều bào tham dự tại hội thảo trực tuyến về "Chuyên gia kiều bào chung tay vượt đại dịch - Vaccine made in Việt Nam"

GS.TS.BS. Đinh Xuân Anh Tuấn (Kiều bào Pháp) - Bệnh viện Trung Ương Cochin, Đại học Y Nha dược Paris phát biểu với nội dung “Chỉ định lâm sàng và hiệu quả tiêm vaccine cho những nhóm có nguy cơ tử vong cao”.

GS Đinh Xuân Anh cho rằng, nên tiêm ngừa Covid-19 cho những người có nhiều nguy cơ đến mức độ phải đưa vào hồi sức tích cực để tránh nguy cơ tử vong, ưu tiên cho những người có nhiều nguy cơ bị bệnh nặng.

Theo GS Đinh Xuân Anh, tiêm vaccine là cách nhanh và an toàn nhất để đạt được miễn dịch cộng đồng, giúp chúng ta quay lại với cuộc sống bình thường và tránh sự xuất hiện của những biến chủng mới.

Chia sẻ về khả năng tiêm chủng vaccine Nanocovax (Việt Nam) cho cộng đồng qua so sánh với vaccine Novavax (Hoa Kỳ) và các vaccine hiện hành, TS. Nguyễn Đức Thái (kiều bào Mỹ) - Co-Founder TransMed-VN, đánh giá, ngoài mức độ an toàn cao, Nanocovax cần đạt tiêu chuẩn các vaccine hiện nay.
Tiêu chuẩn dựa trên 4 kết quả lâm sàng: hiệu quả tránh F0 không có triệu chứng, giảm nhập viện, giảm trở bệnh nặng và không tử vong. Nanocovax sẽ cần đáp ứng tốt đặc biệt cho chủng Delta.
Trong điều kiện hiện tại, vì đánh giá khoa học có giới hạn, Nanocovax cần tập trung vào thử nghiệm và đánh giá các chỉ tiêu lâm sàng. Để thực hiện, rất cần các chuyên gia dịch tễ uy tín, kinh nghiệm về Covid-19, nhà thống kê học thiết kế cho phù hợp và đánh giá trọng tâm.
Chuyên gia kiều bào đề xuất nên cấp phép khẩn cấp vaccine Nanocovax bởi 4 yếu tố ảnh 4 Quang cảnh hội thảo tại điểm cầu TPHCM  

Phát biểu bế mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết, Việt Nam phấn đấu sớm nhất trong năm 2021 có một vaccine trong nước được sản xuất và đưa vào sử dụng.

Theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, đối mặt với tình trạng khan hiếm vaccine thì tự lực tự cường về vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài.

Theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, các ý kiến của các diễn giả chuyên gia kiều bào tại hội thảo đã đem đến cách nhìn toàn diện, khoa học về các loại vaccine cũng như vấn đề thử nghiệm lâm sàng, cấp phép sử dụng vaccine.

Ban tổ chức ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu, những chia sẻ kinh nghiệm và khuyến nghị quan trọng đó và sẽ tổng hợp báo cáo Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine, để chuyển tới các cơ quan chuyên môn tham khảo trong quá trình sản xuất, cấp phép sử dụng vaccine.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu tin tưởng với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng và Chính phủ, sự chung tay góp sức của các chuyên gia trong nước và kiều bào, Việt Nam sẽ thành công trong việc sản xuất vaccine made in Vietnam, triển khai chiến lược vaccine hiệu quả, sớm kiềm chế và đẩy lùi dịch bệnh.

Bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát, hệ sinh thái công nghệ cao Khu Công nghệ cao TPHCM đã góp phần vào công tác phòng chống đại dịch.

Có thể kể tên một số sản phẩm, công nghệ như: công nghệ xét nghiệm nhanh Covid-19 và trang thiết bị y tế chẩn đoán của Công ty Biomed, công ty Nam Khoa, công nghệ khử khuẩn trong Khẩu trang diệt khuẩn của Công ty Wakamono, nguồn oxy sạch cung cấp cho các bệnh viện của Công ty Air Liquide, PVGas... nước sát khuẩn ứng dụng công nghệ nano của Trung tâm R&D…

Đặc biệt, phải kể đến dự án đầu tư của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen, đã ứng dụng công nghệ Protein tái tổ hợp để sản xuất sản phẩm vaccine Covid-19 đầu tiên của Việt Nam với tên gọi là Nanocovax.

Tin cùng chuyên mục