
Trong bài viết “Tình trạng thiếu sáng học đường: Báo động” đăng ngày 26-7, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã từng đề cập đến nguyên nhân số lượng học sinh bị cận thị gia tăng đến mức báo động trong những năm gần đây một phần là do hệ thống chiếu sáng tại các lớp học không đạt tiêu chuẩn.
Trên cơ sở đó, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Trường ĐH Bách khoa TPHCM đã tiếp tục mở rộng công tác đo đạc hệ thống chiếu sáng tại 25 trường học khác trên địa bàn TPHCM. Kết quả thật đáng giật mình.
Chỉ 6,8% số phòng học đạt tiêu chuẩn về độ sáng
Một cán bộ đo đạc cho biết, đoàn kiểm tra đã chọn ngẫu nhiên 45 phòng học của 5 trường mẫu giáo, 5 trường tiểu học, 4 trường THCS, 6 trường THPT và 5 trường đại học (ĐH) tiến hành đo đạc. Kết quả cho thấy có đến gần 93% bàn không đạt tiêu chuẩn về độ sáng.
Cá biệt, số phòng học đạt chuẩn độ rọi sáng tại các trường mẫu giáo, THPT và ĐH chiếm tỷ lệ 0%. Riêng các cấp học còn lại thì số phòng học đạt chuẩn độ rọi sáng cũng chiếm một tỷ lệ khá khiêm tốn là 1/8 phòng (đối với tiểu học) và 2/7 phòng (đối với THCS).
Ngoài ra, số lượng các bảng có độ rọi sáng đạt yêu cầu chỉ chiếm tỷ lệ 13,3%... Những con số trên tuy chưa đánh giá khái quát toàn bộ hiện trạng chiếu sáng tại các trường học hiện nay trên địa bàn TPHCM, nhưng đã phản ánh thực tế chất lượng chiếu sáng tại các trường học rất kém.

Đo sáng phòng thực hành vi tính của lớp học tại Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3). Ảnh: Cao Thăng
Trong quá trình khảo sát, đoàn cũng đã tiến hành đo đạc độ sáng các phòng học có chiếu sáng nhân tạo và được phụ trợ của ánh sáng tự nhiên.
Kết quả khá khả quan, số lớp học đạt chuẩn về độ sáng (trên bàn học sinh, bàn giáo viên và trên bảng) tăng lên khoảng 50%-53%. Điều đáng nói là ánh sáng tự nhiên không ổn định nên khi trời không có nắng, mưa hay chiều tối thì các phòng học rất tối.
Chiếu sáng học đường - vấn đề chưa được quan tâm
Lý giải việc chất lượng chiếu sáng học đường kém, bà Dương Lan Hương, Trưởng đoàn kiểm tra thuộc Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho rằng: “Nguyên nhân là các trường không có sự đầu tư, quan tâm, nhận thức đúng mức tầm quan trọng của hệ thống chiếu sáng trong trường hoặc có quan tâm nhưng lại thiếu những kiến thức nhất định về quy chuẩn lắp đặt cũng như lựa chọn thiết bị chiếu sáng phù hợp.
Điều này được chứng minh rõ nhất là không chỉ có trường cũ thì hệ thống chiếu sáng mới không đạt yêu cầu về độ sáng, mà ngay cả những trường vừa được xây mới trong thời gian từ 5 năm trở lại như trường L.Đ.C, T.Đ.T, K.T.C.N… cũng không đảm bảo yêu cầu về độ sáng.
Phổ biến nhất là tình trạng hệ thống chiếu sáng của các trường học đã cũ, xuống cấp nhưng chưa được thay mới; các phòng học sử dụng các bộ đèn không đạt yêu cầu kỹ thuật (không có chóa và lá chắn) để tăng cường hiệu quả sử dụng ánh sáng cũng như tránh chói mà chỉ có đế đỡ (ngoại trừ các bộ đèn phía trên bảng có chóa).
Hơn nữa các bộ đèn sử dụng khá lâu, xuống cấp (phát sáng yếu, nhấp nháy, gây tiếng ồn…) mà không được thay thế; một số phòng học có sự phân bố đèn không hợp lý, không chú ý đến sự phối hợp với ánh sáng tự nhiên, lựa chọn công suất bộ đèn không đúng dẫn đến độ sáng trong phòng học không đủ và phân bố không đồng đều (chênh lệch tối sáng khá rõ); một số trường không quan tâm đến việc lau chùi các bộ đèn cũng như các bề mặt phản xạ (trần, tường, sàn) gây thất thoát lớn lượng ánh sáng…”.
Chất lượng học suy giảm
Trong bài viết trước, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã nhấn mạnh, việc không đảm bảo về độ sáng khiến cho giáo viên và học sinh luôn phải điều tiết mắt liên tục, gây ra hiện tượng mệt mỏi, căng thẳng không cần thiết. Nghiêm trọng hơn, tình trạng này làm gia tăng các chứng bệnh khúc xạ về mắt, làm suy giảm chất lượng học tập của học sinh.
Kết quả kiểm tra bệnh lý về mắt do Viện Dinh dưỡng quốc gia tiến hành trên 10.000 học sinh cho thấy số lượng học sinh bị cận thị chiếm tỷ lệ 50%. Nhưng cho đến nay, vấn đề đảm bảo ánh sáng cho học đường vẫn chưa được các ban ngành chức năng quan tâm.
Trên thực tế, để giải bài toán đảm bảo chiếu sáng học đường là không khó. Bộ Xây dựng cần sớm đưa quy chuẩn xây dựng các tòa nhà sử dụng hiệu quả năng lượng (đã được ban hành năm 2005) trở thành yếu tố bắt buộc đối với các công trình xây dựng.
Riêng các trường học thì theo bà Hương, nhất thiết phải có các cán bộ chuyên môn thiết kế lại hệ thống chiếu sáng theo tiêu chuẩn cho phép để tăng cường độ sáng, chất lượng chiếu sáng cũng như tính thẩm mỹ và hiệu quả sử dụng năng lượng điện trong chiếu sáng.
Khi thiết kế cần chú ý đến sự phối hợp với ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo; cách đi dây điện, lắp đặt thiết bị đóng cắt điện để tiết kiệm điện; lựa chọn các bộ đèn sử dụng để chiếu sáng lớp học có hiệu suất cao, đảm bảo không gây chói (T8 – 36W, 32W – 1,2m, 58W – 1,5m) và sử dụng chấn lưu điện tử.
Các phòng học nên quét sơn màu sáng và thường xuyên vệ sinh để tăng cường hiệu quả ánh sáng phản xạ và đặc biệt là cần có kế hoạch bảo trì hệ thống chiếu sáng thường xuyên… Về phía Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM sớm hoàn thiện thiết kế, xây dựng một số mô hình lớp học mẫu đạt tiêu chuẩn về độ sáng, tạo điều kiện cho các trường nhân rộng ra.
Các thông số chuẩn cần thiết kế cho một lớp học |
ÁI VÂN