Học sinh THCS chưa đọc thông viết thạo

Chuyện nghiêm trọng trong quản lý giáo dục

Chuyện nghiêm trọng trong quản lý giáo dục
Chuyện nghiêm trọng trong quản lý giáo dục ảnh 1

Tình trạng học sinh THCS tại nhiều địa phương (Phú Thọ, Kiên Giang, Quảng Nam…) chưa biết đánh vần, sáng học lớp 6 nhưng chiều phải học lại lớp 1 là do sự yếu kém trong công tác quản lý; tất cả các cấp, từ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đều làm việc chưa hết trách nhiệm của mình… Tôi cho rằng, đã đến lúc rung một hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý giáo dục – ông Lê Quán Tần, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) đã nhấn mạnh điều này trong cuộc trao đổi với PV SGGP chiều hôm qua, 13-11. 

- Phóng viên: Thưa ông, gần đây báo chí phản ánh nhiều tình trạng học sinh THCS tại nhiều địa phương (Phú Thọ, Kiên Giang, Quảng Nam…) chưa biết đánh vần, sáng học lớp 6 nhưng chiều phải học lại lớp 1. Ông nghĩ sao về tình trạng này?

° Vụ trưởng LÊ QUÁN TẦN: Cái này có 2 tình huống: thứ nhất là do học hòa nhập. Trên thực tế quản lý ở nhiều trường, có diện học sinh chậm phát triển về tâm sinh lý, trí tuệ (tỷ lệ này ở nhiều nước khác nhau, theo thống kê thì khoảng 4 – 5% trẻ em sinh ra bị khiếm khuyết) nên năng lực học tập yếu.

Phần lớn, số trẻ khuyết tật này được đưa vào các trường chuyên biệt, còn lại các em được đưa vào các trường phổ thông để học hòa nhập. Học hòa nhập với điều kiện các em cứ theo học và lên lớp để “động viên gia đình” chứ không theo chuẩn đánh giá nghiêm ngặt như học sinh bình thường. Còn tình huống thứ hai là do học sinh lười biếng, ý thức học tập kém, cộng với công tác quản lý “có vấn đề” nên các em vẫn được cho lên lớp, điểm các môn học vẫn được đánh giá tốt.

Chuyện nghiêm trọng trong quản lý giáo dục ảnh 2
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân trao tặng phẩm cho thầy Đỗ Việt Khoa, người đứng ra tố cáo tiêu cực trong thi cử tại tỉnh Hà Tây.

Vì vậy, trong 1- 2 ngày tới, Bộ GD-ĐT sẽ có công văn yêu cầu các địa phương rà soát lại toàn bộ các trường hợp này, xác định lại nguyên nhân, mức độ học kém như thế nào, có diện học sinh chậm phát triển hay là học sinh lười học, thầy cô giảng dạy không đảm bảo chất lượng, kiểm tra đánh giá cho điểm không khách quan dẫn đến các em chưa nắm vững chương trình học vẫn được lên lớp… Tóm lại, phải rà soát toàn bộ để nắm được thực trạng, nguyên nhân rồi mới đề xuất giải pháp chấn chỉnh. 

- Trừ những trường hợp trẻ khuyết tật học hòa nhập, ở nhiều địa phương xảy ra tình trạng hầu như cả lớp 6, lớp 7 không biết đọc hoặc làm phép tính đơn giản… Phải chăng đây là căn bệnh thành tích trong giáo dục?

° Một vài trường hợp không đọc thông, viết thạo thì có thể xem xét ở khía cạnh khiếm khuyết về tâm sinh lý, trí tuệ, nhưng một loạt học sinh không biết đọc hoặc làm phép tính đơn giản như nhiều trường THCS miền núi Quảng Nam thì đúng là câu chuyện nghiêm trọng về quản lý. Có thể các cán bộ quản lý các trường đó, từ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đều làm việc chưa hết trách nhiệm của mình… Tôi cho rằng, đây là một bài học về quản lý.

Tình trạng này đang diễn ra ở khá nhiều nơi, đã đến lúc rung một hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý giáo dục. Còn nói về “bệnh thành tích”, cũng cần phải nói một cách khách quan thế này: có nhiều nơi chạy theo thành tích, nhưng cũng có những nơi lại do chính sự yếu kém trong quản lý giáo dục, có những thầy cô thể hiện tình thương bằng cách xuê xoa, bỏ qua những yếu kém của học sinh, châm chước cho các em lên lớp trong điều kiện các em chưa đủ kiến thức đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng… 

- Có ý kiến cho rằng, chính những chỉ tiêu do bộ đặt ra như tỷ lệ phần trăm học sinh lên lớp, lưu ban, số lượng học sinh khá, giỏi… đã dẫn đến tình trạng tất cả các học sinh đều được lên lớp, bất kể chất lượng học tập của em đó thế nào?

° Thực ra, bộ chưa bao giờ đề ra chỉ tiêu này. Bộ chỉ đề ra tiêu chuẩn công nhận các danh hiệu giáo viên. Còn từ các tiêu chuẩn đó mà công nhận những người không đạt thì không phải lỗi tại bộ, lỗi thuộc về các đơn vị thực hiện công tác thi đua. Nói một cách sòng phẳng, quy định về chỉ tiêu không phải là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh “chạy theo thành tích” mà chính là chủ thể thực hiện nó đã áp dụng sai. Ta cần phải nhìn thẳng vào sự thật đó để không làm giảm nhẹ trách nhiệm của những người làm không đúng quy định.

- Như ông đã nói ở trên, sau khi thực hiện rà soát các trường hợp học quá kém vẫn được lên lớp, Bộ sẽ có giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này?

° Mục tiêu quan trọng nhất đối với các học sinh được lên lớp là phải làm cho các em đủ sức theo chương trình đang học. Trong trường hợp xét thấy không thể được thì buộc phải cho các em lưu ban. Còn những em bằng các giải pháp giúp đỡ tích cực, khắc phục hậu quả và bù đắp kiến thức bằng các biện pháp như sáng học lớp 6, chiều tập đọc, tập viết… mà có tiến bộ, các em vươn lên được thì để cho các em tiếp tục theo học. Sau khi đã dùng giải pháp khắc phục, bù đắp kiến thức, các trường phải tiến hành phân loại, trường hợp nào thực sự không đủ sức theo học thì phải cho lưu ban.

- Xin cảm ơn ông!

VIỆT LAN

Tin cùng chuyên mục