Chuyên nghiệp hóa quản lý đầu tư công

(SGGP).- Ngày 27-4, tại TPHCM, trong phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, bộ ngành trung ương và đại biểu từ các địa phương đã xem xét, góp ý cho hai dự án Luật Đầu tư công và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 66/2006/QH11.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước vào các dự án, các chương trình mục tiêu quốc gia thuộc các lĩnh vực công ích, không nhằm mục đích kinh doanh (đầu tư công) có vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế và xã hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước. Chỉ tính phần ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, trong giai đoạn 2001 - 2005, đã đầu tư khoảng 286.000 tỷ đồng, chiếm trên 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; trong giai đoạn 2006 - 2010 ước đạt trên 739.000 tỷ đồng, khoảng trên 24% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Dự kiến tỷ trọng phần vốn đầu tư giai đoạn sau năm 2010 cũng tương tự như các giai đoạn trước đó. Vì vậy, việc quản lý và sử dụng có hiệu quả phần vốn đầu tư này là rất quan trọng và cần thiết.

Tại phiên họp, các đại biểu đã góp ý thẳng thắn về nội dung dự thảo luật. Nhiều đại biểu cho rằng cần có các đơn vị chuyên nghiệp theo ngành nghề để quản lý vốn đầu tư nhà nước. Các đơn vị này không nhất thiết trực thuộc bộ ngành là chủ đầu tư dự án. Trong quá trình quản lý vốn đầu tư Nhà nước, sai phạm liên quan đến cá nhân nào thì xử lý cá nhân đó, không thể vì những sai phạm cá nhân mà thay đổi hệ thống. “Nhiều lĩnh vực, như trường học và bệnh viện, thực hiện dự án là phải “chìa khóa trao tay”, không thể bắt bác sĩ, giáo viên quản lý dự án được”, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch nói.

M.TÚ

Tin cùng chuyên mục