Chuyện ở trọ của du học sinh Việt

Khi tôi báo giá một số phòng trọ ở Den Haag (Hà Lan) cho người chị họ có con gái 18 tuổi sắp du học, chị thảng thốt: “500 EUR/tháng? Tiền ấy thuê được một căn ở Times City rồi còn gì”. 

 

Một góc phòng trọ của sinh viên Việt ở Hà Lan
Một góc phòng trọ của sinh viên Việt ở Hà Lan

Tiền nào của nấy, chị đòi hỏi cũng cao chứ có vừa đâu: phòng rộng cỡ 20m², không chung đụng người Việt (cho đỡ phức tạp), có giường ngủ và tủ đựng quần áo đàng hoàng, vị trí thuận tiện bắt phương tiện công cộng đến trường. Rẻ hơn cũng có, 375 EUR/tháng cho phòng chỉ khoảng 10m², tủ âm, ngả nệm ngủ sàn. Với giá này, cả nhà chỉ một phòng tắm và phòng vệ sinh, có khi 3- 4 sinh viên cùng chủ dùng chung, khá bất tiện.

Nhiều lúc, có tiền cũng chưa chắc đã yên thân chăn êm đệm ấm mà ở trọ. Biết tôi đang cần thông tin giúp người nhà, nhiều sinh viên Việt từng trọ học tại Hà Lan, người gốc Việt tại Hà Lan cũng khuyên nên chọn trường gần Amsterdam mà học. Amsterdam tuy xô bồ hơn song cũng quốc tế hơn. Nơi này dung nạp được đủ thể loại người. Còn Den Haag vốn nổi tiếng tập trung dân bản xứ thượng lưu, quý tộc, gần biển chính là lãnh địa của “Hagenaars”- tiếng Hà Lan chỉ dân nhà giàu ở Den Haag. Phòng trọ đắt và ở chung với giới thượng lưu cũng không dễ thở chút nào. Đã có chuyện thế này xảy ra vào mùa nhập học năm ngoái. Tốt nghiệp THPT, Hằng sang Den Haag du học, từng nhờ tôi quen ai ở đây chỉ giúp nơi thuê phòng trọ. Đúng dịp cao điểm - nghỉ hè và chuẩn bị vào năm học mới, mọi manh mối tôi có đều lắc đầu. Tự Hằng báo đã tìm được phòng trọ nhà người gốc Việt rồi. Nhưng ở trọ được một tháng đã phải dọn đi, “Cô ơi, cháu không được thuê tiếp nữa rồi. Hàng xóm báo cảnh sát bọn cháu gây ồn quá mức. Cháu nghĩ có đến mức ầm ĩ quá đâu, chẳng qua một chị cũng thuê trọ trong nhà này hay đi giày cao gót, lên xuống cầu thang hơi ầm chút thôi ạ. Hàng xóm vẫn gọi cảnh sát. Cảnh sát bảo bọn cháu ở đông quá mức quy định”. 

Tôi nghĩ chắc lại kiểu ở nhồi nhét cho rẻ đây. “Theo như cô biết, một số nước châu Âu có quy định về diện tích ở, ví dụ tại Pháp mỗi người ở tối thiểu 9m² ”. Hằng phản đối: “Căn nhà này bốn phòng ngủ, anh chủ cho bốn sinh viên thuê, có quá quy định đâu. Chẳng qua hàng xóm không thiện cảm với chúng cháu”. Nửa tháng trước, hai hàng xóm bản xứ có nhờ người chủ nơi Hằng thuê trọ nhận giúp gói đồ mua qua mạng sẽ chuyển đến khi họ vắng nhà. Chủ nhà ký nhận đồ xong, nhờ Hằng chiều đó ở nhà giao đồ. Lần lượt hai phụ nữ đến nhận đồ, Hằng hỏi đúng tên mới đưa. Hôm sau, một hàng xóm lại đến hỏi đồ, cả chủ nhà lẫn Hằng đều ngẩn ra. Bà hàng xóm bực tức, quát mắng ầm ĩ đến nỗi Hằng sợ quá, tự rút 80 EUR tiền túi đền. Ai mà ngờ đưa đồ như vậy cũng gặp kẻ lừa đảo? Đền rồi mà hàng xóm cũng chưa nguôi giận.

Nghe tôi cập nhật tình hình sinh hoạt phí ở Hà Lan và châu Âu khá đắt đỏ, chị họ tôi quyết định cho con gái sang Australia. Chị khoe thuê phòng riêng trong nhà một người Australia, bà ấy nấu cho ăn rồi quản lý kèm cặp con mình luôn. Quá yên tâm, giá 300 dollar Australia /tháng. Ở được vài tháng con bé không chịu nổi cảnh về nhà trễ mười phút là bị tra hỏi, bị nhắc mỗi tuần phải thay vỏ gối, nệm, chăn một lần, đang tắm cũng bị gõ cửa nhắc dùng nước vừa đủ, không vặn nhiệt độ điều hòa quá cao, tốn điện... 

Chị họ tôi xuống thang, cho con chuyển sang nhà một người gốc Trung Quốc. Căn nhà tập trung sinh viên hợp chủng quốc, ở kiểu shared house, phí trọ 100 dollar Australia /tháng. Con bé vui hơn thấy rõ. Ngoài chuyện tiết kiệm được tiền, con bé tâm sự riêng với tôi, các bạn nhiều nước sinh hoạt cũng lôi thôi lắm, hay đi sớm về khuya và nhiều thứ ảnh hưởng tới xung quanh…Thực ra, Hằng hay cháu họ tôi cũng thế thôi, vượt qua những khó khăn ngay từ việc ở trọ như thế, chính là một cách nhập môn du học .

Tin cùng chuyên mục