
Tấm bạt xanh căng ngang con đê, tạo một khoảng râm mát dưới cái nắng gắt dai dẳng trong thời điểm giao mùa. Bên dưới bóng râm của tấm bạt, các xô, bịch đựng lềnh khênh trái bầu mà những người làm mang về đây từ khi trời còn sớm bửng. Vừa bỏ từng trái bầu vào bịch ni lông cho đầy 37kg mỗi bịch, nhóm nông dân quay sang ông chủ khìa chuyện. Ông Nguyễn Văn Trải (58 tuổi, ngụ xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TPHCM) vui vẻ đáp lại rồi tiếng cười nối nhau vang cả một vùng ruộng đồng.
Ông Trải chia sẻ, anh em làm lụng mệt mỏi, buổi sáng thì cắt, đóng gói 5 tấn bầu, buổi chiều thì làm đất, chăm sóc cây. Vất vả nhưng trong công việc và cuộc sống, mọi người luôn giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái. Dịp 30-4 và 1-5 vừa rồi, gia đình ông đã tổ chức cho 70 người làm đi chơi 3 ngày ở Cà Mau. Trước đó, đầu xuân, mọi người cùng đi trẩy hội Bà Chúa Xứ núi Sam (Châu Đốc, An Giang). Từ giờ đến cuối năm, mọi người sẽ cùng nhau nghỉ ngơi, đi chơi xa 1 chuyến nữa cho đủ 3 lần du lịch mỗi năm. Những người làm cho ông Trải kể, ông không bao giờ lậm của khiến người làm chịu thiệt thòi, khắc khổ.
Hơn 20 năm trước, với vốn liếng chừng 20 triệu đồng, vợ chồng ông quay sang mua, thuê ruộng để trồng ớt. Siêng năng làm lụng, lật bật năm này qua năm nọ, giờ đây vợ chồng ông Trải đã mua được 2 ha ruộng và thuê 28 ha nữa. “Thấy nhiều ruộng bỏ hoang vì nông dân đã đi làm công nhân trong xí nghiệp, mình rất xót ruột. Trong khi đó, nhiều người ở nông thôn lại không có việc làm nên mình thuê đất, san sẻ mọi người đến làm cùng”, ông Trải lý giải về chuyện bám đất, bám ruộng. Được quan tâm, chăm lo có cuộc sống tươm tất, đủ đầy hơn về vật chất lẫn tinh thần nên nhiều nông dân ở Củ Chi (TPHCM) hay ở Sóc Trăng, Cà Mau… đã tới làm việc cho vợ chồng ông Trải. Từng cặp vợ chồng hoặc từng nhóm nông dân chia nhau, dựng nhà ở ngay trên khoảng ruộng mình nhận chăm sóc. Mỗi tháng, trung bình người làm được lãnh khoảng 4 triệu đồng. Trẻ con sau giờ đến trường có thể phụ giúp ba mẹ làm những việc vừa sức mình như bắt ngọn, bấm đọt… Mô hình canh tác của ông Trải đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 100 nông dân.

Ông Nguyễn Văn Trải cùng bà con nông dân thu hoạch bầu.
Ông Trải chuyên trồng các loại rau ăn trái: bầu, bí, mướp, khổ qua, dưa leo, cà tím, ớt… Bà Hà Thị Mết, vợ ông Trải cho biết, mỗi hécta khi bỏ hạt giống xuống là đã phải đầu tư khoảng 100 triệu đồng. Đến khi được thu hoạch, chưa biết lời hay lỗ, tiền vốn đầu tư lên đến 150 triệu đồng/ha. Vốn liếng đầu tư nhiều như thế nên cũng “có khi mình hốt nó, có khi nó hốt mình”, nghĩa là lúc lời, lúc lỗ. Bí quyết của gia đình ông Trải là tính toán “điểm rơi” của giá cả, mùa vụ. Vụ dưa leo vừa qua, thấy có vẻ sẽ được giá, ông cho nhân công bấm ngọn sớm để cây sớm ra trái, sớm thu hoạch. Bằng cách này, năng suất tổng thể giảm nhưng lại trúng giá và vụ dưa leo “đánh nhanh rút gọn” vừa rồi, gia đình ông đã thu lời hàng trăm triệu đồng mỗi hécta. Song cũng có lúc không được giá như vụ vừa rồi, trái còn lõng thõng trên cây mà đành cắt bỏ, chuyển sang trồng cây khác, đón vụ sớm. Với diện tích canh tác lớn, vợ chồng ông đã chia ra, trồng nhiều loại rau nhằm bù qua đắp lại và đảm bảo lợi nhuận.
Một trong những cách khác mang lại lợi nhuận mà ông Trải áp dụng là tích cực… “ăn mót”. Vừa kết thúc vụ dưa leo, thấy giàn, màn phủ ni lông còn tốt, ông kêu mọi người tận dụng luôn, chỉ nhổ gốc dưa leo thay vào bằng hạt giống bầu và bón phân là được. Sau 3 tháng vụ bầu, giàn và màn phủ vẫn còn tốt, ông có thể “ăn mót” thêm 1 lần nữa bằng trồng lứa khổ qua. Với cách làm này, ông tiết kiệm được nhiều chi phí đầu tư.
Siêng năng miệt mài lao động, có nhiều sáng kiến trong trồng trọt và luôn quan tâm đời sống, tạo công ăn việc làm cho các nông dân khác, ông Nguyễn Văn Trải là điểm sáng trong phong trào chuyển đổi sản xuất tại Củ Chi và là điển hình trong “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của TP.
MẠNH HÒA