Quê anh ở vùng đất thép Củ Chi, từ nhỏ theo cha mẹ làm nghề nông, lớn lên gia nhập Đội Biệt động Sài Gòn. Sau những trận đánh “xuất quỷ nhập thần” ngay giữa trung tâm đầu não địch, anh cùng đồng đội rút quân về căn cứ ở vùng Trảng Bàng, Tây Ninh để củng cố lực lượng chuẩn bị cho những trận đánh tiếp theo.
Tại đây, anh và đồng đội được người dân che chở nuôi giấu dưới hầm bí mật. Hàng ngày, có người con gái thay cha mẹ đưa cơm xuống hầm cho bộ đội, thấy cô hiền ngoan, dễ thương nên anh đã thương thầm nhớ trộm. Còn cô cũng rất quý mến anh bởi tinh thần chiến đấu dũng cảm.
Khi hai bên “tình trong như đã…”, một lần đi đánh trận về, anh đánh liều ngỏ ý: “Em có đồng ý thương anh không?”. Cô gái thẹn thùng gật đầu rồi mắc cỡ chạy đi. Thấy cô có nhiều người để ý, anh xin phép cha mẹ cô để được chính thức tìm hiểu. Trước khi tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, anh xin phép: “Con sắp đi chiến đấu không biết thế nào, xin phép cha cho chúng con làm đám cưới…”. Người cha đáp: “Con cứ đi chiến đấu cho tốt, sau trận đánh dù con có bị thương nặng, thân thể không toàn vẹn nữa thì cha cũng sẽ gả con gái cho…”. Thế là anh bước vào trận với một trái tim rạo rực cả việc chung lẫn tình riêng.
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, anh đang là Chính trị viên Đội 4, Biệt động Sài Gòn. Đơn vị anh được giao nhiệm vụ đánh chiếm Đài phát thanh ngụy, chỉ sau 10 phút tấn công địch, đơn vị anh đã chiếm giữ hoàn toàn đài phát thanh. Thế nhưng, do hỏa lực địch mạnh, lực lượng ta không vào chi viện được nên sau 4 giờ chiếm giữ, anh em trong đơn vị đã hy sinh gần hết. Riêng anh được lệnh mở đường máu về cơ sở cách mạng nên là người duy nhất sống sót trong trận đánh này.
Trở về căn cứ để củng cố lực lượng, anh tiếp tục trở lại Sài Gòn tham gia nhiều trận đánh khác, cho đến khi bị thương nặng phải nằm điều trị nên mãi 5 năm sau anh mới thực hiện lời hẹn ước. Dẫu vậy, mọi chuyện vẫn chưa “xuôi chèo mát mái” vì nhà cô dâu sát ngay đồn địch. Anh bèn nhờ một người bà con xa là lính ngụy đóng giả chú rể trong ngày cưới để che mắt địch. Ngày cử hành hôn lễ, chú rể thật ở trong rừng nghe ngóng đám cưới chú rể giả ở nhà. Thấy thế nhiều người hỏi: “Ủa, sao hôm nay đám cưới của anh mà lại ngồi đây, hai người có trục trặc gì không?”, anh chỉ mỉm cười bí ẩn: “Không có gì…”. Sau đám cưới, cô dâu thường xuyên vào rừng thăm chú rể, hễ bọn lính hỏi cô đi đâu thì cô trả lời rất hợp pháp: “Về nhà chồng chớ đi đâu”. Thấy tình duyên cô vất vả, nhiều người hỏi vì sao cô thương anh đến thế, cô trả lời: “Vì anh là chiến sĩ biệt động Sài Gòn dũng cảm, mưu trí, tính tình hiền lành tử tế…”.
Thấm thoắt đã hơn 40 năm. Giờ đây nhớ lại kỷ niệm cũ, Đại tá Đặng Xuân Tẻo (tức Ba Tẻo) và vợ là chị Nguyễn Thị Lãnh vẫn thấy chuyện tình năm xưa như còn mới nguyên. Chị tâm sự: “Lúc đó tôi gần 20 tuổi, còn anh gần 30. Ngày đám cưới tuy cô dâu chú rể không được sánh vai nhưng hạnh phúc của chúng tôi vẫn trọn vẹn và kết thúc có hậu…”. Sau này, vợ chồng họ có 4 con trai đều đi công an, bộ đội và sống giản dị, hạnh phúc như bao mái ấm gia đình khác.
MINH NGỌC