Có cần Ban tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu không?

Đại diện cho địa phương được lựa chọn để xây dựng đặc khu Vân Đồn, ĐB Đỗ Thị Lan (Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) cho rằng mô hình tổ chức chính quyền đặc khu như trong dự thảo Luật có nhiều điểm chưa hợp lý.
Quảng Ninh đã thông qua Đề án thành lập đặc khu Vân Đồn. Ảnh: baoquangninh
Quảng Ninh đã thông qua Đề án thành lập đặc khu Vân Đồn. Ảnh: baoquangninh

Sáng nay 4-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, thảo luận về dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; trong đó thảo luận có cần Ban tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu không? 

ĐB Đỗ Thị Lan (Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) góp ý, dự thảo đã quy định chính quyền đặc khu là cấp chính quyền có HĐND. UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện thẩm quyền theo luật này và các luật hiện hành khác, nghĩa là đã đủ sức kiểm soát theo quy định luật hiện nay, không cần thiết quy định thêm Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu.

Có cần Ban tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu không? ảnh 1  ĐB Đỗ Thị Lan (Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh).
“Quy định chưa phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy và phát huy hiệu lực hiệu quả của chính quyền đặc khu, dẫn đến chồng chéo chức năng vì UBND đặc khu đã chịu sự giám sát điều hành của các cấp rồi, lại còn chịu sự “chỉ đạo” của Ban tư vấn nữa”, ĐB Lan bày tỏ băn khoăn.

Đây cũng là quan điểm của ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum). “Nếu người đứng đầu đặc khu là Trưởng đặc khu, do Thủ tướng bổ nhiệm thẳng thì mới cần, chứ nay đã có mấy cấp giám sát rồi (giám sát của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, HĐND, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội khác), thêm Ban này thì thêm ràng buộc không cần thiết đối với UBND đặc khu”, ĐB Tám phân tích.

Có cần Ban tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu không? ảnh 2  ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum)
Tuy đồng tình với việc giữ mô hình UBND, HĐND ở đặc khu, song ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng vẫn cần thiết chế Ban tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu, vì cơ quan dân cử chủ yếu giám sát qua văn bản, qua dư luận, theo chuyên đề nên không thường xuyên.

ĐB Hoàng Quang Hàm phát biểu: “Ban tư vấn sẽ có sự theo dõi, phản biện thường xuyên, tránh tình trạng việc lớn xảy ra rồi mới đi xử lý cán bộ. Nhưng nếu UBND đặc khu không tiếp thu ý kiến thì cơ chế báo cáo, xử lý thế nào”?

Bên cạnh đó, ĐB Đỗ Thị Lan cho rằng chế độ công vụ với đặc khu vẫn chưa có sự đổi mới và chưa thực sự phân cấp phân quyền. Những nội dung được dự thảo Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết vẫn rất nhiều, trong khi Đề án thành lập 3 đặc khu thì đến nay vẫn chưa xác định cơ quan thẩm định đề án.

ĐB Đỗ Thị Lan sốt ruột: “Cần có kế hoạch sớm để thẩm định đề án của 3 đặc khu và sớm có nghị quyết để phát triển 3 đặc khu này”.

Đề nghị cân nhắc những quy định về tài chính – ngân sách của đặc khu, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) lưu ý: “Dự thảo luật quy định ngân sách đặc khu tương đương cấp huyện, cơ bản theo Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN), như thế triển khai trong thực tiễn là rất khó, vì như thế là nguồn thu và phân bổ do cấp tỉnh quyết định. Một “ông” quyết định nguồn, một “ông” (đặc khu) lại được quyết định chi tiêu thế nào”.

Các ưu đãi cho đặc khu cũng là vấn đề được ĐB Hoàng Quang Hàm cho rằng chưa phù hợp, cần xem xét lại trong mối quan hệ tổng thể lợi ích quốc gia. Chẳng hạn, cần xem xét thêm nếu ưu tiên phát triển cảng biển ở Phú Quốc thì hiệu quả sử dụng của cảng Cái Mép - Thị Vải đã được đầu tư rất lớn sẽ như thế nào…

Tin cùng chuyên mục